Ngày 25-11-1945, BCH T.Ư ra chỉ thị về Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị nhận định tính chất cuộc cách mạng Việt Nam lúc này “Vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”, “Vì nước ta chưa được hoàn toàn độc lập”, “Nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong”. Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”... Trước nguy cơ chiến tranh cận kề, trong hai ngày 18 và 19-12, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Hội nghị nhận định khả năng hòa hoãn đã hết và quyết định phát động Toàn quốc kháng chiến.
20 giờ 03 phút ngày 19-12-1946, Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu Toàn quốc kháng chiến; các địa phương có quân Pháp chiếm giữ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cùng nhất tề đứng lên đánh Pháp. Quân và dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đẩy mạnh chiến đấu ngăn chặn quân xâm lược Pháp.
Để động viên toàn dân bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc… Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phục dựng lời thề “Dựng lại nghiệp xưa họ Hùng” của Hai Bà Trưng; lời tuyên cáo trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” thời Lý; tiếp nối bản Tuyên ngôn độc lập trong ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đó vừa là lời của Tổ quốc, của dân tộc thiết tha kêu gọi con Lạc, cháu Hồng đứng lên giữ nước; vừa là lời tuyên bố đanh thép với bọn thực dân cướp nước và toàn thế giới về ý chí quyết tâm bảo vệ non sông. Đó còn là lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.
Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc nhất tề đứng lên chiến đấu giữ nước với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
Tiếp nối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là cuộc đối đầu lịch sử, cuộc đối đầu không cân sức chưa từng có trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Vào lúc chiến tranh ác liệt nhất, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi cả nước đứng lên chống Mỹ, cứu nước. Người khẳng định: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Đáp lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chấp nhận hy sinh người và của để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Diễn biến và kết cục của 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975) đã chứng minh chân lý: Một dân tộc đứng lên chiến đấu vì mục đích chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia, có đường lối đúng đắn, có sức mạnh đoàn kết toàn dân thì chắc chắn sẽ đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cách đây đã 70 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện lớn và tiến những bước dài, tình thế có nhiều thay đổi, nhưng lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, quán triệt trong ý thức bảo vệ Tổ quốc của thế hệ hôm nay và mai sau. Hiện nay, trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn là một nhiệm vụ chiến lược của nước ta. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều phức tạp, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội”. Đó là sự kế thừa, tiếp nối lời thề thiêng liêng của dân tộc từ những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc trước đây.
Lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc cùng với ý chí và hành động đánh giặc cứu nước của dân tộc ta đã để lại cho chúng ta bài học quý giá, đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược: Khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc; một dân tộc hơn 90 triệu người, với ý chí, quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thì dân tộc đó có đủ sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bất kể chúng lớn mạnh thế nào và từ đâu tới.
Đại tá, PGS, TS. Vũ Như Khôi