Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND việt nam (22.12.1944 - 22.12.2014): Ngày 22 tháng 12 - Hai trong một

Trước những năm 40 của thế kỷ XX, Đảng ta đã xây dựng được nhiều “hạt giống quân sự” như các đội tự vệ đỏ từ cao trào cách mạng 1930 ở Nghệ Tĩnh, quân du kích ở Nam Kỳ, tự vệ công nông ở Biên Hòa, xích vệ đỏ ở Hải Phòng, và nhiều đội cứu quốc quân và quân du kích ở Việt Bắc… Song đó chỉ là lực lượng của từng địa phương, ảnh hưởng chưa lớn. Tháng 10-1944, Bác Hồ bàn với các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh: “Bây giờ… nên tổ chức một đội vũ trang. Đội vũ trang phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được… Phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo… Trong vòng 1 tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng…”. Từ gợi ý của Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vũ Anh, Lê Quảng Ba đã chọn ra một danh sách và gọi là “Đội Việt Nam giải phóng quân” trình lên Bác. Đọc tên các đội viên đã chọn, thấy đều là nòng cốt trung kiên, đã qua các lớp học quân sự, lại đủ các dân tộc Kinh, Mán, Tày, Nùng, Bác đồng ý và bảo: “Phải thêm vào hai chữ tuyên truyền để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ tuyên truyền lúc này còn trọng hơn quân sự… Phải thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự… Trận đầu phải chiến thắng - Điều đó sẽ ảnh hưởng tốt trong tuyên truyền và tác động trong quần chúng… Nhớ bí mật: Ta ở đông, địch ở tây. Lai vô ảnh khứ vô hình…”. Ấy là quá trình chuẩn bị, tới giữa tháng 12-1944, Bác mới ra chỉ thị chính thức (dạng như lá thư, đựng trong vỏ bao thuốc lá) gửi cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì lực lượng vũ trang địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên…”.
Trong thư, Bác còn dặn: “Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực… Đây là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang…”.
Chấp hành chỉ thị của Bác, 17 giờ ngày 22-12-1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được tổ chức. Đông đủ đại biểu Liên tỉnh uỷ Cao – Bắc – Lạng, các ban khu, ban châu, các tổng xã và bà con các dân tộc, cùng cán bộ các đoàn thể cứu quốc trang nghiêm đứng nghe. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc diễn từ: “Ngày hôm nay, 22-12-1944, theo mệnh lệnh của đoàn thể, chúng ta tập trung ở chốn rừng xanh núi đỏ này, giữa Tổng Trần Hưng Đạo và Tổng Hoàng Hoa Thám trong Liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng, để khai hội thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân… Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu…”.
Tiếp lời Đại tướng, Đội trưởng Hoàng Sâm thay mặt cho 34 cán bộ, chiến sĩ long trọng đọc 10 lời thề danh dự, rồi lần lượt từng đội viên lên giới thiệu tiểu sử của mình. Đội biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng; đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên; đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch – tình báo; 3 đồng chí Thu Sơn, Bế Văn Sắt và Xuân Trường làm tiểu đội trưởng. Vừa ra đời được 3 ngày, nhớ lời dặn của Bác Hồ: “Phải có hoạt động ngay để gây tin tưởng… Trận đầu phải chiến thắng”, ngày 25 và 26-12-1944, Đội đã ra quân đánh thắng giòn giã trận Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam sau này…
Cội nguồn của ngày thành lập quân đội là như thế, còn ngày Quốc phòng toàn dân lại có nguyên do khác. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nghĩa là khi quân đội sắp vừa tròn 45 tuổi và đất nước đã thống nhất 13 - 14 năm, tình hình kinh tế, quốc phòng an ninh của nước ta lại có nhiều chuyển động lớn. Không có kẻ thù hiện diện, nhưng bối cảnh chung lại đặt ra cho toàn dân trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề. Sau 3 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (từ năm 1986 đến năm 1988) nền kinh tế của ta đã đạt được những thành tựu nhất định, song vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng; Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đang trên đà tan rã; các thế lực thù địch tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta, đòi đa nguyên, đa đảng; quân đội ta đã điều chỉnh lớn lực lượng, nhiều sĩ quan và binh sĩ đã chuyển sang mặt trận xây dựng kinh tế, chỉ tiêu tuyển quân thấp mà vẫn gặp không ít khó khăn; ý thức bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội của một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên giảm sút…
Trước tình hình đó, từ phát hiện và đề nghị của Quân uỷ T.Ư và Tổng cục Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng thấy phải có các giải pháp cần thiết để nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc cho mọi tầng lớp nhân dân, hằng năm cần phải có một ngày nhắc nhở mọi người nhớ tới nhiệm vụ quốc phòng, ôn lại truyền thống anh hùng của Quân đội… Từ tư duy đó, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ra chỉ thị lấy ngày 22-12 - ngày thành lập QĐND Việt Nam, là ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Chỉ thị này đã được nhân dân cả nước hoan nghênh và năm ấy, Ngày hội Quốc phòng toàn dân lần đầu tiên đã được tổ chức rầm rộ khắp các địa phương trong cả nước. Nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành cùng các cơ quan, đơn vị đã tổ chức ngày hội đó rất long trọng, hiệu quả, sinh động và ý nghĩa, thức dậy được tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong đông đảo nhân dân. Cũng bắt đầu từ năm 1989, các cơ quan thông tin đại chúng đã tuyên truyền sôi nổi, sâu rộng cho ngày này; Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ra các văn bản pháp quy, thống nhất việc giáo dục quốc phòng trong các nhà trường; các trung tâm giáo dục quốc phòng cũng được thành lập và phát huy tác dụng…
22-12 năm nay, Quân đội kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và nhân dân ta cũng tổ chức Ngày hội Quốc phòng toàn dân lần thứ 25!...
Nguyễn Phúc Ấm