Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024): Sáng mãi tinh thần Ngày giải phóng Thủ đô
Sáng mãi tinh thần Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Đối với thực dân Pháp, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, chúng buộc phải ký Hiệp định Gơnevơ (21-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Hiệp định Gơnevơ được ký kết, thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Đề phòng âm mưu của thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người dân di cư vào Nam, Đảng ta đã khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp quản Hà Nội.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư T.Ư Đảng cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Hội đồng Chính phủ công bố các chính sách đối với thành phố mới giải phóng; chính sách đối với tôn giáo; các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố mới giải phóng. Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh đòi kẻ địch thi hành Hiệp định Gơnevơ, bảo vệ thành phố và chuẩn bị phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.
Ngày 17-9-1954, Ủy ban Quân chính T.P Hà Nội được thành lập để tiếp thu và quản lý thành phố. Cuối tháng 9-1954, trước sức mạnh đấu tranh của ta, Bộ chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn. Ngày 30-9-1954, ta và Pháp ký hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự. Ngày 2-10-1954, ta và Pháp ký hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố. Theo đó, các đơn vị bộ đội tiền trạm đã tiếp quản một số nơi ở Hà Nội theo nguyên tắc quân Pháp rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Lực lượng tự vệ nhà máy cùng nhiều công nhân cũng đến canh gác bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp của mình. Đến 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, xuống Hải Phòng để vào Nam.
Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính T.P Hà Nội và các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… theo năm cửa ô tiến vào tiếp quản Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội hân hoan chào đón chính quyền cách mạng trở về Thủ đô.
Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày giải phóng Thủ đô (10-10) là mốc son rực rỡ nhất. Sự kiện này là thành quả vĩ đại sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10) cũng đi vào lịch sử thế giới với việc đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới. Do đó, Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài mà các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng hân hoan phấn khởi, cùng chia vui.
Trong thư gửi đồng bào Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, Quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc XHCN, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương đã làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972), hạ nhục uy lực pháo đài bay B.52, làm thất bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng…; buộc đế quốc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Năm 1999, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2000, Chủ tịch nước phong tặng T.P Hà Nội danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, vai trò, vị thế, uy tín của Hà Nội ngày càng được nâng cao, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Huế, ngày 16-9-2024
Nguyễn Văn Toàn