Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 - 9-5-2015) Khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc chiến tranh thần kỳ
NGUYỄN ĐĂNG SONG
Dù thời gian qua đi, dù đã diễn ra những biến động lớn trong nền chính trị thế giới và Liên bang Xô Viết không còn nữa, nhưng những chiến công bất diệt của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh này sẽ mãi mãi sống trong kí ức nhân loại. Đúng như ca từ trong một bài hát được phổ biến rộng rãi trong suốt những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và còn vang vọng đến hôm nay: “…Hãy đứng lên, đất nước vĩ đại. Đứng lên trong trận chiến sống còn. Đứng lên trong cuộc chiến tranh nhân dân. Một cuộc chiến tranh thần kỳ…”.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức của nhân dân Liên Xô 9-5, hãy cùng nhớ lại một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc “chiến tranh thần kỳ” này, đó là cuộc duyệt binh lịch sử tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow ngay trước họng pháo quân phát xít Đức.
Moscow là một trong ba hướng tiến công chủ yếu của quân Đức với Cụm quân Trung tâm làm nòng cốt dưới quyền chỉ huy của thống chế Ph.Bock. Với sự tham gia của hơn 1 triệu quân được 1.700 xe tăng và một lực lượng lớn không quân chi viện, chiến dịch tiến công Moscow mang mật danh “Taiphun” (Bão táp) đề ra mục tiêu bao vây, tiêu diệt quân đội Liên Xô ở vùng Moscow và đánh chiếm thành phố này trước mùa đông 1941. Các đòn đánh chủ yếu được nhằm vào cửa ngõ phía Bắc và phía Nam thành phố. Ngày 30-9, quân Đức bắt đầu đợt tiến công quy mô lớn vào Moscow. Bắt đầu chiến dịch phòng thủ Moscow với những trận đánh đẫm máu diễn ra ở Bryansk, Kaluga, Tula… Đến nửa đầu tháng 10 tình hình trở nên đặc biệt nguy ngập. Mặc dù bị tổn thất nặng nề, quân Đức đã chọc thủng được phòng tuyến của Hồng quân và đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 chúng đã tiến đến kênh đào Moscow, vượt sông Nara rồi tiến đến thị trấn Kashira ở phía Nam Moscow. Xe tăng và bộ binh Đức đã tiến đến những nơi mà trước chiến tranh người dân Moscow thường đến dạo chơi vào ngày lễ hoặc ngày chủ nhật. Cả Thủ đô sống trong những ngày cực kì căng thẳng. Tuy vậy, người dân Moscow vẫn tin rằng họ đủ sức mạnh ngăn chặn quân thù tiến đến sát chân tường Kremli chứ đừng nói gì đến việc chiếm đóng thành phố yêu dấu của họ. Bộ Tổng tham mưu được chia làm 2 bộ phận: một bộ phận nhỏ ở lại Thủ đô, còn bộ phận cơ bản chuyển ra đóng ở ngoại vi Moscow để trực tiếp theo dõi và chỉ huy chiến đấu. Bản thân I.Stalin chỉ xuống phòng làm việc ở dưới hầm ngầm khi có báo động phòng không, còn phần lớn thời gian ông ở trong ngôi nhà ngay cạnh trụ sở Bộ Tổng tham mưu.
Ngày 6-11-1941, Moscow vẫn tổ chức cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười tại sân ga tàu điện ngầm Mayakovski. Sáng 7-11, cuộc duyệt binh truyền thống được chuẩn bị hết sức bí mật, đã diễn ra trên Quảng trường Đỏ. Hành khúc quen thuộc “Tạm biệt em, cô gái Slavơ” vang lên làm rung động lòng người. Tổng Tư lệnh tối cao Stalin đọc lời hiệu triệu: “Toàn thế giới coi các đồng chí là lực lượng duy nhất có khả năng tiêu diệt bọn xâm lược Đức. Các đồng chí được giao một sứ mệnh vĩ đại-sứ mệnh giải phóng. Các đồng chí hãy xứng đáng với sứ mệnh ấy”.
Lời kêu gọi của vị lãnh tụ như một hiệu lệnh thúc dục đoàn quân ra trận. Các trận đánh ác liệt diễn ra ở dải phòng ngự của các đơn vị Hồng quân. Ngày 6-12-1941, quân đội Liên Xô chuyển sang phản công. Đến ngày 20-4-1942, Hồng quân đã giải phóng hơn 11 nghìn khu dân cư; đẩy quân Đức lùi về phía Tây trên một chiều sâu 80-250km; tiêu diệt trên 500.000 tên; phá huỷ 1.300 xe tăng, 2.500 đại bác và trên 15.000 xe quân sự các loại. Chiến thắng Moscow tạo ra bước ngoặt quan trọng của chiến tranh, đập tan huyền thoại về cái gọi là “bách chiến bách thắng” và khả năng “đánh nhanh thắng nhanh” của quân đội phát xít. Việc quân Đức bị thất bại ở ngoại ô Moscow buộc quân phiệt Nhật và Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ kế hoạch tham chiến cùng quân Đức chống Liên Xô; nguy cơ chiến tranh ở hai đầu đất nước đã bị đẩy lùi. Hy vọng của Hitler cô lập Liên Xô cũng tiêu tan: ngày 1-1-1942, 25 nước cùng với Liên Xô ký tuyên bố về hợp tác trong chiến tranh chống nước Đức phát xít; liên minh chống phát xít ra đời. Trong trận đánh lịch sử này, hơn 36 nghìn công dân Xô Viết đã được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Năm 1944, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô quyết định đặt ra huy chương “Vì trận phòng thủ Moscow” dành cho những người có công trong trận đánh này. Năm 1965, Moscow được phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”.
Một chi tiết quan trọng là trong số những người tham gia Trận đánh phòng thủ Moscow và tham gia cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ có 5 chiến sĩ là người Việt Nam. Họ là những người tình nguyện gia nhập Hồng quân và hầu như tất cả đã hi sinh anh dũng từ tháng 10-1941 đến tháng 1-1942. Năm 1985, nhân kỷ niệm lần thứ 40 Ngày chiến thắng phát xít Đức, 5 chiến sĩ Hồng quân gốc Việt này đã được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô, đó là Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh, Lý Thục Chắt và Lý Phú San. Đây lại là một minh chứng nữa về tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam, Liên Xô cũng như LB Nga ngày nay.
NĐS