Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024); 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024): Sống thay đồng đội đã hy sinh

T.Ư Hội LHPN Việt Nam phối hợp BTL Quân khu 5 tặng hoa cô Trần Thị Chính (tháng 3-2023).

Có những cuộc chiến thầm lặng; có những mặt trận thầm lặng, có những con người thầm lặng, có những hy sinh thầm lặng... góp phần quan trọng giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5), 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Báo CCB Việt Nam giới thiệu một trong những sự hy sinh thầm lặng đó.

Sinh trưởng trong gia đình là cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta thời kỳ chống Pháp, cha hy sinh, mẹ bị bom thù giết hại, mới 12 tuổi, Trần Thị Chính (sinh năm 1945 tại xã Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam) đã được hướng dẫn làm giao liên, chuyển thư từ cho các cơ sở cách mạng ở địa phương. Ba năm sau, cô theo một người anh chuyển vào Sài Gòn, nhanh chóng kết nối với các cơ sở cách mạng, tiếp tục làm nhiệm vụ giao liên cho lực lượng Biệt động thành. Đầu năm 1962, do bị lộ, cô được tổ chức bố trí quay lại quê nhà hoạt động bí mất  trong vai một chủ tiệm may nhỏ.

Chẳng bao lâu, cô thợ may duyên dáng, có nụ cười khả ái ấy nhanh chóng làm biết bao tên lính Mỹ, ngụy say mê. Nhờ tài gợi chuyện, cô khéo léo thu thập được nhiều nguồn tin quan trọng, chính xác về những âm mưu, thủ đoạn mới, những địa điểm sắp đi càn của địch, báo về cho đơn vị.

Tháng 10-1963, cô vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1964, địch quyết liệt dồn dân vào các ấp chiến lược để dễ bề quản lý với mục tiêu tận diệt những mầm mống yêu nước ở địa phương. Huyện đội Điện Bàn quyết định phối hợp với du kích xã Điện Thọ đánh vào các đồn lính bảo an và dân vệ của địch. Sau một trận đánh lớn, bên ta có 8 đồng chí bị thương. Cô Chính được giao nhiệm vụ băng bó vết thương, cung cấp cháo, sữa và bố trí thương binh ẩn nấp trong một bãi mía để chờ thời cơ đưa ra vùng tự do.

Khoảng hơn 7 giờ sáng hôm ấy, khi đang may áo quần ở chợ Đông Quan thì cô nghe tiếng xe tăng địch hành quân ầm ầm. Tiếp đó là tiếng người dân í ới gọi nhau chạy vì sợ đoàn xe này sẽ nổ súng tấn công. Rồi tốp xe tăng đi đầu vượt Quốc lộ 1 qua khỏi đường ray xe lửa, tiến thẳng về phía bãi mía, nơi có 8 thương binh của ta đang ẩn nấp. Ngay lập tức, cô Chính lao ra đường, chạy đến trước mũi đoàn xe, dang hai tay, miệng la lớn: “Các anh ơi, đừng chà mía nhà em, không  chết đói mất...”.  

Mặc cô gái gào khóc, đoàn xe địch vẫn lầm lũi lao tới. Khi đã tiến rất sát, chúng mới từ từ dừng lại. Mấy tên lính từ trên xe nhảy xuống, dùng dùi cui đánh cô tới tấp. Cô vẫn không rời vị trí. Chợt thấy một tên mang súng ngắn bên mình, đoán chắc là viên chỉ huy cuộc hành quân, cô bật dậy rồi nhảy đến ôm chầm lấy hắn, hét lớn: "Anh ơi! Anh cứu em với, cứu mấy đứa em của em với!".

Viên chỉ huy nghiêm nét mặt hỏi: "Có phải Cộng sản biểu mày ra đây không?". Cô khảng khái đáp: "Em là thợ may trong chợ chứ có biết chi ai là Cộng sản?”. Nghe lời van nài ấy, viên chỉ huy quay sang vẫy tay cho đám thuộc hạ chuyển hướng hành quân.

Thoát hiểm trong gang tấc, đợi trời tối, cô lại âm thầm đến tiếp tế và băng bó vết thương, tham gia đưa 8 thương binh theo hướng xã Điện Tiến lên núi Bồ Bồ để ra vùng tự do an toàn. Tinh thần bất khuất của cô được tổ chức cách mạng địa phương đánh giá rất cao.

Một lần, du kích bàn kế hoạch, tìm cách lấy súng địch đánh lại địch, cô nung nấu quyết tâm thực hiện cho bằng được công việc này. Và trong trận giao tranh giữa tiểu đội ngụy với du kích địa phương, khi một tên giặc bị trúng đạn ở tay gục xuống bên bờ ruộng, cô Chính nhanh trí ôm một nắm rơm chạy đến phủ lên hắn, tước khẩu AR15 mang về giao cho du kích. Sau này cô tâm sự: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ phải lấy bằng được cây súng để được cấp trên thưởng cho một chuyến ra Bắc thăm Bác Hồ”.

Anh hùng LLVTND Trần Thị Chính khi còn trẻ.

Năm 1966, trong một trận đánh ở Điện Hòa, 3 chiến sĩ của ta bị thương nặng. Nhận nhiệm vụ giải cứu thương binh, cô Chính cải trang thành người đi mót củi. Trời nhập nhoạng tối, tại bụi tre lớn, cách chỗ quân ngụy đóng chỉ chừng hơn 50m, cô phát hiện một người bị thương, máu ra loang lổ. Cô kéo anh lên vai, lợi dụng chiều cao của bờ ruộng che tầm mắt địch, trườn tới bờ sông La Thọ để du kích đưa tiếp qua sông. Xong việc, cô trở lại, tiếp tục dìu 2 đồng chí nữa đến nơi an toàn.

Trần Thị Chính đặc biệt nổi tiếng với chuyện “tay không bắt sống lính Mỹ”: Khoảng giữa năm 1967, tại địa phương, có một tốp lính Mỹ thường xuyên đánh hơi, khui nhiều hầm bí mật, bắn chết nhiều cán bộ của ta. Chính căm hận lắm, cô nung nấu tìm cách trả thù. Sáng hôm ấy, được cơ sở của ta, cách nhà Chính gần 100m, nói vọng sang: “Bớ chị Tư, kêu con Chính bắt con gà trống trả tui!...” (câu ám hiệu). Biết có lính Mỹ đang mai phục, Chính diện thật đẹp, sang chơi. Nhờ khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh lõm bõm cộng với những cái liếc mắt tình tứ, cô đã làm một tên lính Mỹ say mê. Khi được người đẹp ngỏ ý mời về nhà chơi, hắn hối hả theo ngay. Và cô đã dẫn hắn đến… điểm du kích ta mai phục cách đó chừng 200m.

Năm 1971, trong một chuyến chuyển tài liệu cho một cơ sở của ta, gặp địch phục kích, cô bị trọng thương, phải nằm chữa trị dài ngày dưới hầm bí mật. Vết thương quá nặng khiến cô vĩnh viễn mất đi một con mắt; một chân và một cánh tay hoàn toàn bị tê liệt.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 28-5-2010, Trần Thị Chính vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Hiện nay ở tuổi 80, sức khỏe cô đã yếu nhiều, đi lại khó khăn, đầu óc lúc nhớ lúc quên. Mặc dù được hưởng chế độ thương binh ¼, có người chăm sóc, nhưng cô vẫn không những tự lo cho mình mà còn quyết tâm vượt lên thương tật để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cô dành một phần lương hưu và những đồng tiền ít ỏi có được từ buôn bán nhỏ hằng ngày, kết hợp với số tiền do đồng đội gom góp và các nhà hảo tâm tài trợ để mua chăn gối, quần áo, sách vở, gạo, mắm… trao tận tay cho đồng bào nghèo trên khắp mọi miền đất nước.

Hơn thế nữa, cô còn tham gia cùng Hội CCB T.P Đà Nẵng tổ chức nấu 500 suất cháo, cơm mang đến các bệnh viện nhằm san sẻ một phần khó khăn với người nghèo đau ốm… Cô luôn tâm niệm, phải sống kiên cường; sống thay cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh; thêm một ngày được sống là thêm một ngày cống hiến cho đất nước, để giữ trọn lời hứa với những đồng đội năm xưa.

Đỗ Thị Ngọc Diệp