Kỷ niệm 69 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2016): Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ - Mệnh lệnh từ trái tim
Để ghi nhớ, đền đáp công ơn to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình có công với cách mạng, từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành những chủ trương, chính sách và triển khai hiệu quả công tác tri ân người có công với cách mạng. Đến nay, cả nước có hàng triệu người được hưởng chế độ ưu đãi; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế. Hàng vạn cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở; 100% Bà mẹ VNAH còn sống được phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo.
Cùng với đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị... Quyết định 1237/QĐ-TTg ngày 27-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay tới năm 2020 và những năm tiếp theo tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với nhiệm vụ thiêng liêng này.
Tuy nhiên, đến nay trong số 900.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang, vẫn còn đó gần 300.000 phần mộ chưa xác định được danh tính. Đặc biệt vẫn còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, trong số này, các liệt sĩ tại Lào còn hơn 1.000, Campuchia còn hơn 4.000 hài cốt.
Thực hiện QĐ 1237, đến nay, các Quân khu, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo 1237 hoạt động hiệu quả. Vai trò của các cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ rõ nét hơn. 19 đội Quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân đội vẫn miệt mài ngày đêm ở những nơi rừng thiêng nước độc, vượt qua muôn ngàn khó khăn để tìm kiếm và đưa hài cốt các liệt sĩ trở về. Khó có thể hình dung những khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy trong hành trình tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ. Ở mặt trận phía Bắc, vô số vật liệu nổ vẫn còn rải rác khiến cho việc quy tập hết sức khó khăn. Theo thống kê, Hà Giang vẫn còn tới khoảng 10.000ha bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ, có hài cốt liệt sĩ. Không chỉ ở biên giới phía Bắc, việc quy tập hài cốt liệt sĩ tại các chiến trường miền Nam, cũng như trên đất bạn Lào, Campuchia cũng gặp rất nhiều khó khăn. Số hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thông tin và nhân chứng về nơi an táng ngày càng ít, địa hình thay đổi nhiều, đều khiến cho công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ càng thêm vất vả mặc dù chính quyền và nhân dân nước bạn đều hết lòng giúp đỡ, ủng hộ.
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là việc của chính quyền, mà các cơ quan, đoàn thể, nhất là lực lượng CCB cũng có nhiều việc làm thiết thực cung cấp thông tin cũng như trực tiếp tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Những thông tin do CCB cung cấp trở thành nguồn quan trọng giúp các cơ quan chức năng tìm và đưa hài cốt các liệt sĩ trở về. Phối hợp thực hiện Đề án 1237, TƯ Hội CCB Việt Nam triển khai kế hoạch cụ thể xuống các cấp Hội. Theo Trung tướng Nguyễn Song Phi-Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam báo cáo tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 1237, có 1.031 CCB trực tiếp tham gia các hoạt động khảo sát, dẫn đường cho lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đạt hiệu quả. Từ nguồn thông tin do CCB cung cấp, các đơn vị quân đội, các ngành chức năng phối hợp với Hội CCB tìm kiếm, quy tập được 2.714 hài cốt liệt sĩ ngoài nghĩa trang, đưa về an táng tại NTLS các địa phương. Đồng thời, các CCB tích cực báo tin mộ liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ: với trên 2.500 thông tin về nơi chôn cất ban đầu; trên 7.700 thông tin liệt sĩ trong nghĩa trang, giúp trên 7.000 gia đình tìm được phần mộ liệt sĩ.
Có bao tấm gương CCB vì nghĩa tình với người đã khuất, ngày đêm tìm tòi, cung cấp thông tin, tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ: Như CCB Phạm Song Toàn (Thường Tín, Hà Nội) 30 lần trở lại chiến trường xưa, đi đến 29 nghĩa trang, ghi chép hơn 3.000 thông tin liệt sĩ và viết, gửi thư báo tin cho gia đình các anh. Nhờ đó mà 104 gia đình có thông tin về người thân của mình tìm được người thân của mình sau bao năm xa cách, biệt tin; là CCB Đặng Quang Huynh ở xóm 4, xã Diễn Thọ (Diễn Châu, Nghệ An) tới rất nhiều nghĩa trang, chụp lại hình các tấm bia mộ liệt sĩ để chuyển thông tin tới người thân của liệt sĩ. Cho đến hôm nay, sau hơn 10 năm, ông Đặng Quang Huynh đã chuyển được khoảng 450 bức ảnh tới gia đình liệt sĩ. Hay như CCB, thương binh 3/4 Phạm Ngọc Mậu ở An Lạc, Hồng Bàng, Hải Phòng cùng CLB tìm liệt sĩ Đoàn Sao Vàng quy tập 387 phần mộ liệt sĩ đưa về riêng quê hương Hải Phòng, hàng trăm hài cốt liệt sĩ ở các tỉnh khác và cung cấp hơn 20.000 thông tin về các liệt sĩ khắp cả nước… TƯ Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen cho 75 CCB, tặng giấy khen cho 7 CCB vì đã có thành tích suất sắc trong việc cung cấp thông tin, tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Kết quả đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của hàng triệu CCB đối với đồng chí, đồng đội, là sự tri ân sâu sách đối với các liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Tìm kiếm, quy tập các liệt sĩ trở về trong vòng tay người thân là mong muốn không chỉ của thân nhân liệt sĩ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của tất cả nhân dân Việt Nam. Công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ dù còn phải gặp biết bao khó khăn đi nữa nhưng hành trình thiêng liêng này vẫn còn tiếp tục.
Bài và ảnh: Mai Anh