Kỷ niệm 69 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9): Phường Bến Nghé - Từ chiến tuyến đến đô thị văn minh
Phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh cách đây 69 năm là nơi quân và dân ta đã nổ tiếng súng đầu tiên chống thực dân Pháp gây chiến ở Nam Bộ xâm lược nước ta lần thứ hai. Vào lúc 0 giờ ngày 23-9-1945, quân Pháp ngang nhiên đánh úp các cơ sở của ta ở Sài Gòn, mà trọng điểm là khu vực Bến Nghé. Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ với tinh thần “Quyết bảo vệ độc lập dân tộc”, lực lượng vũ trang quần chúng đã nhanh chóng phát triển ở các công sở, đường phố, kịp thời chống trả quyết liệt kẻ địch. Trên địa bàn Bến Nghé, sáng 23-9 các đội tự vệ chiến đấu, Thanh niên Tiền phong, Xung phong Công đoàn bằng vũ khí thô sơ đã ngoan cường đánh địch ở tòa Đốc Lý (nay là trụ sở UBND TP), đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn, trước dinh Thống Nhất) và nhiều nơi khác như ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành… Hơn một tháng liền, quân Pháp khốn đốn trong cảnh không có điện, nước, chợ búa, hàng quán; lương thực, thực phẩm cạn dần, bị giam chân ở trung tâm thành phố, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang của ta rút ra vùng ven xây dựng căn cứ bước vào cuộc kháng chiến lâu dài…
Vùng chiến tuyến đánh giặc năm xưa, bây giờ mọc lên nhiều công trình xây dựng bề thế, hiện đại với những cao ốc nằm giữa các khu dân cư (KDC) sầm uất và những đại lộ nườm nượp người xe. Từ sau ngày giải phóng đến nay, phường Bến Nghé trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, giao lưu quốc tế của TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, trên địa bàn phường có 1.800 doanh nghiệp và 2.320 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ đang hoạt động, mỗi năm đóng góp cho ngân sách hơn 850 tỷ đồng và nhân dân ủng hộ các nguồn quỹ gần 1 tỷ đồng, dẫn đầu các phường, xã của thành phố.
Quá trình phát triển kinh tế, lãnh đạo phường luôn quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách và người nghèo khó phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống như trợ vốn SXKD, tư vấn giải quyết việc làm, miễn giảm các khoản vận động đóng góp, xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương… Nhờ vậy, phường luôn vượt tiêu chí giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, đề ra trong từng giai đoạn. Hiện nay chỉ còn 70 hộ có thu nhập từ 12-16 triệu đồng/người/năm. Riêng Hội CCB có 590 hội viên đã tận tình giúp nhau sản xuất kinh doanh, nên từ năm 2002 đến nay liên tục xóa nghèo theo tiêu chí mới; hiện nay gần 60% số hộ có mức sống khá và giàu.
Bên cạnh phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ủy, chính quyền phường Bến Nghé đã lãnh đạo, điều hành hệ thống chính trị cùng toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và các công sở. Tất cả 8/8 khu phố và hầu hết các công sở đều đạt tiêu chuẩn văn hóa liên tục nhiều năm nay, làm nền tảng xây dựng phường văn minh đô thị. Hàng chục năm qua, các tuyến đường ở phường Bến Nghé đều sạch, đẹp, trong đó có 2 con hẻm 15A Lê Thánh Tôn và 8A Thái Văn Lung do Hội CCB quản lý là tuyến đường kiểu mẫu cho nhân dân noi theo.
Đảng ủy, chính quyền phường đã chỉ đạo xây dựng các lực lượng quân sự, công an, dân phòng, bảo vệ bảo đảm số lượng, chất lượng; làm tốt nhiệm vụ và tổ chức mạng lưới an ninh cơ sở rộng khắp nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vụ việc phức tạp xảy ra; thực hiện có kết quả chương trình, mục tiêu “Ba giảm” (giảm tội phạm, ma túy, mại dâm), giữ vững ANTT địa bàn. Theo chỉ đạo của Đảng ủy phường, Hội CCB đã cử 136 đồng chí tham gia công tác Đảng, chính quyền, các đoàn thể và tổ chức lực lượng chính trị nòng cốt gồm 60 hội viên thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết các “điểm nóng”, kịp thời giải tỏa nhiều vụ nhân dân các nơi tụ tập khiếu kiện về đất đai, tài sản...
Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, Hội CCB phường đã tích cực góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân xây dựng phường Bến Nghé trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với vùng đất lịch sử đã ghi nhiều chiến công từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, ngày nay là trung tâm của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Bài và ảnh: Thành Viên