Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5-2023): Gặp chiến sĩ Điện Biên năm xưa
Ông Bảy (ngồi giữa) đang cùng hai người con hồi tưởng lại về những kỷ niệm ngày vào Đảng.
Sinh năm 1917, vào Đảng năm 1947, vừa tròn 107 tuổi với tên gọi là Nguyễn Văn Bảy… chừng ấy thông tin trùng khớp về con số 7 làm tôi càng háo hức được gặp ông, một người vệ quốc quân đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu “ hiện đang sống khỏe mạnh cùng con cháu ở thôn Trung Long, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà.
Ký ức người vệ quốc quân
Với một cụ ông 107 tuổi đời rất khó hy vọng để hỏi chuyện, nhất là những kỷ niệm về quá khứ; nhưng với ông Nguyễn Văn Bảy dù không được thật đầy đủ, lúc nhớ, lúc quên ông vẫn hăng say trò chuyện với chúng tôi về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Câu chuyện về ông bắt đầu từ những năm tháng đi làm thuê khổ sở tận trong xứ Huế, đến khi cách mạng vùng lên giành được chính quyền, ông xung phong vào vệ quốc quân; Khi mở màn chiến dịch Điên Biên Phủ, ông được biên chế vào Đại đội 5 ( còn gọi là Đại đội Hồng Sơn ), tiểu đoàn 18, Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304. Đơn vị ông có nhiệm vụ bao vây và tiêu diệt cụm Hồng Cúm, nằm trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp; đây là một trong những hướng tiến công chiến lược mang đến chiến thắng “ chấn động địa cầu “. Ông Bảy nhớ lại: “ gian khổ không nói hết, chỉ biết đào hào và nằm dưới hầm cả thôi, nhưng tinh thần chiến đấu thì rất cao, rất quyết tâm; ai cũng mong chờ giây phút nổ súng tiến công địch…” Dù câu chuyện phải ngắt quảng nhiều lần, nhưng qua hồi tưởng của CCB Nguyễn Văn Bảy, biết được đơn vị của ông được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Hồng Cúm, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Ðây là một trong ba phân khu của tập đoàn cứ điểm Ðiên Biên Phủ, đồng thời ngăn chặn không cho quân Pháp bỏ chạy sang Lào…”. Được hỏi về ngày chiến thắng mồng 7 tháng 5, ông Bảy tươi cười và tỏ vẻ nuối tiếc: không nhớ được, chỉ biết lúc đó bốn phía như cơn bão lửa làm cho quân địch bạt vía, kinh hồn và thua tan tác. Tướng Đờ Cát cùng hàng ngàn binh sỹ kéo cờ trắng đầu hàng. Đại đoàn chúng tôi còn phải nhận lệnh tiếp tục tiến công Hồng Cúm, khu cứ điểm cuối cùng của địch…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Bảy cùng đơn vị trở về tiếp quản thủ đô, cuộc sống gian khổ ở rừng sâu giờ là chốn phồn hoa đô thị, làm thế nào để giữ vững tinh thần kỷ luật, tâm thế của người chiến thắng, ngời sáng hình ảnh người Vệ quốc quân. Ông Bảy đã viết một bài thơ để tự nhắc nhở, dặn lòng mình trước những cám dỗ ở chốn thị thành. Bài thơ có tựa đề “ Xin đừng chê Vệ “… điều kỳ diệu là cho đến nay đã hơn một thế kỷ nhưng ông vẫn nhớ thuộc lòng bài thơ, trong đó có những câu thể hiện bản lĩnh, dũng khí, tinh thần lạc quan của người chiến sỹ vệ quốc “ Là chiến sỹ phải đánh Đông, dẹp Bắc; Biết xông pha nơi khói lửa biên thùy; Biết tin vào một ngày gần nhất; Nước Độc lập, Tự do, Hạnh phúc; Vệ sẽ được bảnh bao trang võ phục; mũ sao vàng, ngực lấp lánh huân chương; Khi ấy nhiều chị trông theo mà… chết mệt ”.
Người Đảng viên gương mẫu, tận tụy
Gia nhập Vệ quốc quân được hơn 1 năm, ngày 10 tháng 10 năm 1947 ông Nguyễn Văn Bảy vinh dự được kết nạp vào Đảng, niềm ước mong của một chàng thanh niên nguyện đi theo Đảng, chiến đấu dưới cờ Đảng đã trở thành hiện thực. Ông Bảy bồi hồi nhớ lại “ tuổi trẻ chúng tôi hồi đó tham gia vệ quốc hồ hởi, phấn khởi lắm, ai cũng hừng hực quyết tâm chiến đấu để giành được độc lập, tự do. Là chiến sỹ trẻ lại sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng nên tôi vô cùng tự hào, nguyện chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ dẫn đường, chỉ lối …”. Khi được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông luôn thể hiện là một người lính tiên phong, dũng cảm, khó khăn thiếu thốn không hề nao núng. Khi về tiếp quản Thủ đô, ông luôn giữ gìn phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, không bị cám dỗ trước đời sống phồn hoa đô thị, được đơn vị đánh giá là chiến sỹ gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau khi trở về địa phương, phẩm chất người Đảng viên càng được ông phát huy cao độ. Từ năm 1954 đến 1980, suốt 26 năm liền ông gắn bó với Đảng bộ và chính quyền, nhân dân xã Thạch Điền; từng trải qua các công việc như thủ kho, kế toán, Chủ nhiệm hợp tác xã, Trưởng công an, xã đội, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban hành chính xã; đặc biệt có ba nhiệm kỳ ông giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ xã, đó là năm 1960 – 1961, 1961-1962, 1965 – 1967; tham gia Ban thường vụ từ 1970 đến 1980. Những năm ông Bảy gánh vác trách nhiệm trước Đảng bộ là những năm khó khăn, gian khổ, chiến tranh tàn phá, đời sống của người dân nghèo khó; nhưng ông đã cùng với Đảng bộ lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi thử thách. Vừa vận động nhân dân chăm lo sản xuất, chi viện cho tiền tuyến lớn “ thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người “; vừa chăm lo xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền vững mạnh. Đảng bộ luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tập thể và vai trò ví trí của từng Đảng viên.
Ca ngợi về tấm gương của người tiền nhiệm, Ông Lê Xuân Ngọc, Bí thư Đảng bộ xã Nam Điền chia sẻ: “Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nam Điền rất tự hào về cựu Bí thư Đảng bộ xã Nguyễn Văn Bảy; trong giai đoạn xã nhà khó khăn bộn bề, ông được Đảng bộ giao nhiều nhiệm vụ, trọng trách nhưng ông luôn thể hiện vai trò gương mẫu, phẩm chất cao quý của Anh Bộ đội Cụ Hồ, nhiệt huyết trong công việc, cùng với tập thể Đảng bộ lãnh đạo đưa xã nhà phát triển về kinh tế, xã hội; an ninh trật tự được giữ vững, công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, được cấp trên ghi nhận nhiều thành tích. Không những là người lãnh đạo xã tâm huyết có nhiều cống hiến mà còn là người trụ cột của gia đình. Ông luôn nuôi dạy con cháu ăn học, trưởng thành; có 8 người con, 5 trai, 3 gái và hơn 100 cháu, chắt, chiu; trong đó có 4 người con trai và nhiều cháu tham gia quân đội, nhiều người trong gia đình là Đảng viên và có nhiều cống hiến cho xã hội. Ông Bảy sắp sửa đón nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, đó là dấu mốc ngời sáng trong lịch sử Đảng bộ xã nhà. Noi gương ông, thế hệ chúng tôi quyết tâm lãnh đạo đưa xã Nam Điền phát triển vững mạnh, xứng đáng với những cống hiến của thế hệ đàn Anh đi trước…”.
Nhân kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà đã đến thăm, tặng quà CCB Nguyễn Văn Bảy, trong câu chuyện với người chiến sỹ Điện Biên năm xưa, Bí thư huyện ủy dành những lời thán phục về tấm gương chiến đấu anh dũng quên mình của Bác Bảy đã góp phần làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tấm gương của Bác khi trở về hậu phương tiếp tục cống hiến cho quê hương, tỏa sáng phẩm chất người lính Cụ Hồ thật sự trân trọng. Là người cán bộ Đảng viên tiên phong, gương mẫu; hy sinh lợi ích cá nhân để xây dựng một tập thể Đảng bộ đoàn kết, đủ sức mạnh để vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng giao. Bác Bảy là tấm gương cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và tuổi trẻ học tập, noi theo. Kính chúc Bác Bảy sức khỏe, minh mẫn để tiếp tục góp phần dìu dắt thế hệ trẻ của Đảng bộ xã Nam Điền luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng và hoãi bão lớn… đó là suốt đời hy sinh cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang mà Đảng Cộng sản Việt Nam là Người dẫn lối, đưa đường…
Lê Anh Thi