Cuộc đảo chính này đã giúp cho các điều kiện khởi nghĩa chín muồi nhanh chóng, đó là: Chính trị khủng hoảng, nạn đói ghê gớm, chiến tranh thế giới đến hồi quyết liệt”. Hội nghị cũng nhận định: “Sau cuộc đảo chính, Nhật sẽ là kẻ thù chính, do vậy, khẩu hiệu Đánh đuổi phát xít Nhật-Pháp trước đây, phải được thay bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật”, và Hội nghị ra chủ trương: “Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”.

Tại cuộc họp, Ban Thường vụ quyết định thay đổi mọi hình thức tuyên truyền cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhằm động viên mau chóng quần chúng lên mặt trận cách mạng, tập dượt cho quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Muốn thế, phải chuyển qua những hình thức tuyên truyền đấu tranh mạnh bạo hơn như tuyên truyền xung phong có vũ trang, diễn thuyết xung phong, biểu tình tuần hành, bãi công chính trị; cổ động quần chúng tổ chức các cuộc biểu tình đòi gạo hay phá những kho lương thực của đế quốc; rồi thành lập các ban xung phong đi gây cơ sở, xây dựng các đội tự vệ cứu quốc, lập các căn cứ địa, thống nhất các chiến khu. Cao hơn nữa là lập Ủy ban Quân sự Cách mạng, Ủy ban Nhân dân cách mạng ở những vùng quân du kích hoạt động, đồng thời phát động du kích những nơi có địa hình, địa thế và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện… Tất cả các nội dung ấy, sau đó ba ngày (12-3-1945), đã trở thành chỉ thị lịch sử: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Nắm vững phương hướng và biện pháp đúng đắn mà hội nghị đề ra, đồng thời triệt để phát huy thời cơ thuận lợi do cuộc đảo chính của Nhật đưa lại, Đảng đã đưa phong trào đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần diễn ra sôi nổi ở khắp mọi vùng. Ở Việt Bắc, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã phối hợp với nhân dân nổi dậy giải phóng hàng loạt châu, huyện, xã thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Ở Bắc Giang, nhân dân nổi dậy thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng ở nhiều làng, tịch thu ruộng đất của các tên địa chủ người Pháp chia cho tá điền và những gia đình có công với cách mạng. Ở Quảng Ngãi, vừa được tin Nhật làm đảo chính, một số đảng viên đang bị giam trong trại an trí Ba Tơ họp chi bộ quyết định khởi nghĩa, chiếm đồn, lập đội du kích Ba Tơ. Nhân cơ hội Nhật và Pháp bắn nhau, hàng nghìn cán bộ cách mạng bị giam trong các nhà tù Nghĩa Lộ (Sơn La), Hỏa Lò (Hà Nội), Buôn Ma Thuột, Hội An (Quảng Nam)… đấu tranh buộc địch phải trả lại tự do, hoặc nổi dậy phá nhà giam, vượt ngục ra ngoài hoạt động… Căn cứ vào chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", các cơ sở Đảng kịp thời đề ra khẩu hiệu "Phá kho thóc, giải quyết nạn đói" và coi đó là khẩu hiệu chính để phát động phong trào chống Nhật, cứu nước. Có thể nói: Phá kho thóc giải quyết nạn đói là nghệ thuật phát động quần chúng của Đảng, trong thời gian ngắn nhất đã động viên được đông đảo quần chúng, kể cả những người lừng chừng ít tham gia đời sống chính trị, cùng tiến lên mặt trận cách mạng. Để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, ngày 15-4-1945, Ban Thường vụ T.Ư Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, nhằm giải quyết cụ thể những vấn đề quân sự đã được Hội nghị Thường vụ T.Ư Đảng đêm 9-3 nêu ra. Hội nghị quyết định phát triển lực lượng vũ trang và thống nhất Việt Nam Cứu quốc quân với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân, đồng thời quyết định xây dựng 7 chiến khu tạo bàn đạp cho cuộc tổng khởi nghĩa, đó là: Chiến khu Lê Lợi, chiến khu Hoàng Hoa Thám, chiến khu Quang Trung, chiến khu Trần Hưng Đạo (miền Bắc); chiến khu Trưng Trắc và chiến khu Phan Đình Phùng (miền Trung); và chiến khu Nguyễn Tri Phương (miền Nam). Tiếp đó, ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam…

Cao trào chống Nhật, cứu nước càng dâng lên mạnh mẽ khi được thắng lợi của Hồng quân Liên Xô cổ vũ. Việc đánh bại phát xít Đức, bẻ gẫy gọng kìm phía tây của trục phát xít quốc tế, đã tước bỏ vây cánh bọn phát xít Nhật và dồn chúng vào thế bị bao vây và bị uy hiếp từ bốn phía. Ngay trong thời điểm đó, báo “Cờ giải phóng” của Đảng ta xuất hiện ngay bài “Phát xít Đức đã tắt thở” và kêu gọi: “Phát xít Nhật, bạn đồng minh của Đức Hít-le, bị trơ trọi hẳn và đang lo như cá nằm trốc thớt. Phải đứng dậy đánh đuổi giặc Nhật, góp sức với đồng minh dìm chết con thú dữ Nhật dưới đáy Thái Bình Dương… Sẵn sàng phát động tổng khởi nghĩa giành hẳn lại đất nước". Tiếp đó ngày 09-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Trong vòng một tuần lễ, quân đội Xô Viết anh hùng đã tiêu diệt hoàn toàn 1.000.000 quân Quan Đông thiện chiến của Nhật, giải phóng hoàn toàn vùng Đông Bắc Trung Quốc và miền Bắc Triều Tiên, buộc Nhật phải đầu hàng không điều kiện…

Tin Nhật đầu hàng truyền đi khắp nước đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng lên cao chưa từng thấy trong các tầng lớp nhân dân, ở tất cả các địa phương. Mặt trận Việt Minh đã thu hút hàng triệu hội viên và hàng triệu người ủng hộ. Các tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về cách mạng. Khắp các tỉnh trong toàn quốc, những cuộc mít tinh, biểu tình thị uy vũ trang do Việt Minh tổ chức có hàng nghìn, hàng vạn người tham gia diễn ra trước mắt quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn. Binh lính người Việt, lính bảo an và cảnh sát tỏ thái độ ủng hộ ra mặt. Quân đội Nhật tê liệt trước sức mạnh của làn sóng cách mạng dâng cao. Tình hình đó chứng tỏ tình thế đã vô cùng thuận lợi, để rồi ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp gấp ở Tân Trào, cử ngay ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc với hiệu triệu: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi… Quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, hàng ngũ chỉ huy Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ, toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành quyền độc lập"… Cũng ngay trong đêm đó, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc phát lệnh: Tổng khởi nghĩa…

Nguyễn Phúc Ấm