Kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2021): Đội quân đóng cối xay
Tôi không thạo tiếng Thái, tiếng Mông như trung đội trưởng Kim Thập, tiểu đội phó Nguyễn Giăng, thư ký đánh máy của Trung đoàn 148 Hoàng Tống. Nhưng vì biết một ít tiếng Pháp, biết viết chữ Thái nên được Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc rút từ Trung đoàn 148 lên Quân khu đi làm “thông dịch” cho đội quân cối xay (cối dăm). Đây là đội quân được điều từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… lên sát lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ). Mục tiêu là giải quyết hàng vạn tấn thóc nếp la liệt khắp cánh đồng Mường Thanh của bà con bản Thái. Hàng nghìn tạ thóc nương của đồng bào Mông, Mán, Lự, Puộc, Xạ, Nhắng… ở Điện Biên, góp phần giảm tải cho dân công tải lương thực từ vùng trung du, đồng bằng và miền Trung lên Điện Biên.
Chủ trương lập đội quân cối xay thiết thực vì có kho thóc tại chỗ, xay ra gạo tại chỗ, các đơn vị được cấp đi lấy rất gần. Nhưng đội quân này không được phép đóng quân tập trung để mở “công trường” mà phải phân tán mỗi chỗ 2-3 tổ, mỗi tổ từ 5-7 người, tránh làm mồi cho “giặc trời” B-26 của Pháp. Trước tiên, khi hành quân đến các vùng miền xung quanh Điện Biên thuộc địa bàn của ta đã giải phóng và quản lý, các tổ đóng cối xay gồm những thợ đóng cối xay có tay nghề rất cao của các tỉnh, đông nhất là Phú Thọ và Vĩnh Phúc được gọi đi dân công hoả tuyến. Nhưng người này đóng những chiếc cối xay tốt, cho năng suất cao. Theo như tôi được biết, bà con dân tộc ở vùng cao, muốn biến thóc thành gạo thường nhờ sức nước của suối, ngày giã chỉ được chục cân gạo, nay thấy chiếc cối xay quay ì ì một lúc nhả ra toàn gạo trắng, bà con khâm phục lắm, họ sẵn sàng gùi thóc đến để cho tổ dân công xay gạo.
Tổ bác Lê Văn Hữu ở bản Noọng Nhai đóng một loạt cối xay có thể xay “chín” tới gần 100% thóc thành gạo “lức”. Gạo này được bộ đội ta ăn vào thấy khoẻ ra, bớt đi bệnh phù thũng hoặc đái tháo đường. Theo hậu cần phổ biến thì gạo chỉ xay mà không giã sẽ giữ được nhiều loại Vitamin trong đó nhiều nhất là Vitamin B1 chống bệnh phù thũng của bộ đội từng sống nhiều ngày trong rừng rú và hầm hào nơi trận địa, thiếu ánh sáng và không khí. Để có được chiếc cối xay, xay nhiều tấn gạo chưa mòn dăm, các bác thợ cối phải vào rừng đi tìm các loại cây sồi, nghiến, lát cổ thụ… đem về để thợ xẻ pha ra làm dăm cối. Riêng cậy thị, cây ổi thì đẽo thành cái ngõng cối. Ngõng cối phải đẽo từ 1 khúc gỗ có đường kính 50cm để có được cái chân ngõng độ 20cm, rồi tiện thân ngõng thật tròn, nhỏ dần như chai đựng rượu. Chân ngõng phải to, chắc như vậy mới đảm bảo cho thớt cối trên quay quanh thớt dưới tròn khít khịt. Việc chế tạo ra được một cái ngõng cối đòi hỏi phải là thợ chuyên nghiệp mới làm được. Còn gốc cây bương già được chẻ đôi để làm tai cối, nó vừa thẳng lại là thớ dọc, lâu mòn và khi xay đường kính của 2 thớt gần như không thay đổi. Nói về 2 cái tai cối, dân ta đã có 2 câu thơ rất đẹp: “Anh bên này sông, em bên kia sông/ Đổi nhau kỳ cùng vẫn không gặp mặt”.
Đội quân đóng cối xay phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy có cả đàn ông, đàn bà, trong đó có những đội uyên ương gặp nhau sau thành vợ, thành chồng sống với nhau đến đầu bạc răng long. Tôi nhớ tới trường hợp chàng thanh niên Khương Tiến Dũng quê ở xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc gặp cô gái Nguyễn Thị Liên ở xã Xuân Hoà cùng huyện. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họ trở về quê kết hôn. Nay đều ở tuổi gần cửu thập. Những cặp trai gái mà được sóng đôi để kéo, đẩy tay (tràng cối xay) móc ở đầu tai cối thì hát: “Anh đẩy tràng, em kéo tràng/ Sớm muộn dân làng sẽ dược đưa dâu/ Áo the đón áo dài nâu/ Anh xay, em giã con trâu kéo bừa”.
Đến hôm nay, đã hơn 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, nhắc đến chiến công của Bộ đôi Cụ Hồ đánh thắng Điện Biên Phủ đuổi hết bọn thực dân xâm lược ra khỏi bờ cõi không thể không kể đến “Đội quân đóng cối xay” với hàng trăm người ngày ấy. Có đồng chí được kết nạp vào Đảng từ đội quân này, có đồng chí hy sinh vì sốt rét và bom đạn địch; nhưng đến hôm nay, ít người biết đến họ.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ lịch sử (1954-2014), tôi xin kể lại câu chuyện này. Dù chưa lột tả hết về cách đóng cối xay, cách xay lúa, sự hy sinh thầm lặng của họ… để bạn đọc hôm nay hình dung ra được về đội quân đóng cối xay và chiếc cối xay Việt Nam. Song, với câu chuyện bây giờ mới kể tôi muôn nhắc lại chiến công của “đội quân” đóng cối xay, những người thợ đóng cối xay bình dị nhưng đầy quả cảm của hôm qua, để hôm nay tôn vinh họ ghi lại đấu tích một thời cái cối xay lúa Việt Nam góp phần làm nên lịch sử.
Minh Nguyệt - ghi theo lời kể của Đại tá Chu Ngọc Minh - nguyên chiến sĩ Trung đoàn 148, trợ lý đội quân đóng cối xay số 1 tại mặt trận Điện Biên Phủ, cán bộ Điện ảnh Quân đội, nay đã mất.