Kỷ niệm 66 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6): Thi đua là yêu nước
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc nhằm chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người đã dạy: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một bài hịch, một động lực tinh thần vô giá thấm sâu vào lòng người đã tạo thành một sức mạnh vô song thúc đẩy tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hi sinh gian khổ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên CNXH.
Từ đó đến nay, trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng có biết bao phong trào thi đua yêu nước, ngành ngành thi đua, người người thi đua trên các lĩnh vực và đã xuất hiện nhiều tập thể anh hùng, các cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, những điển hình xuất sắc là những tấm gương sáng trong phong trào Thi đua yêu nước. Nhìn lại lịch sử phát triển của phong trào Thi đua ái quốc, chúng ta nhớ lại những phong trào đã in đậm trong suy nghĩ và hành động như: phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ… đã thu hút hàng chục triệu người tham gia..
Bước sang thời kỳ đổi mới, kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, toàn Đảng, toàn dân đang dồn mọi tâm sức, trí tuệ, đoàn kết một lòng trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo và lạc hậu, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”...”.
Thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay là đề cao vai trò người chủ đất nước, phát huy hết nội lực thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, dấy lên những phong trào cách mạng sáng tạo. Thi đua là một cách tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua, phải làm thế nào để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, do đó, mục tiêu thi đua phải luôn gắn liền với nhiệm vụ công việc hàng ngày và gắn liền với mục đích, yêu cầu chung trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng để hướng quần chúng vào mục tiêu đó mà phấn đấu thi đua đạt kết quả tốt. Để có được những phong trào thi đua tốt ở các ngành, các cấp và cơ sở, đòi hỏi tổ chức công đoàn các cấp, cũng như các cấp Hội CCB phải chủ động đề xuất với Đảng và chính quyền ở cấp mình và phối hợp tổ chức các phong trào thi đua với những mục tiêu cụ thể và hình thức phù hợp, hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác tư tưởng ở đơn vị gắn với thực hiện tốt các mục tiêu. Thi đua cần thiết thực, hiệu quả, có tác dụng cổ vũ quần chúng tự giác thực hiện, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong thi hành công vụ cũng như tiêu dùng cá nhân, góp phần đẩy lùi lạm phát, ổn định đời sống...
Thi đua yêu nước là dịp tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát động phong trào học tập các tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực trong phạm vi cả nước, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. CCB chúng ta phải luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ, cách mạng càng khó khăn càng cần phải tổ chức phong trào thi đua XHCN để vượt qua mọi khó khăn và vững bước tiến lên.
CCB Việt Nam