Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Trường Sơn: Vẫn còn ngầm Sê Ka Mán nữa
Bộ đội và Thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn.
Đã qua nhiều năm nhưng tôi không thể quên đôi mắt của người thiếu phụ ấy. Đôi mắt đợi chờ; khi thì bừng sáng một niềm hy vọng, khi tối sầm, lại có khi mở to cùng tai nghe ngóng… Ở tuổi ngoài 60, chị mới có thời gian đi tìm chồng. Chị tìm đến tôi vì tôi đã viết về trọng điểm Sê Ka Mán. Chị bảo: “Chồng chị hy sinh ở khu vực ngầm Sê Ka Mán”. Đó là nghe đồng đội của chồng chị nói lại. Còn giấy báo tử chỉ ghi là hy sinh ở mặt trận phía Nam…
Gặp tôi, chị bảo: “Giờ mới đi tìm chồng coi như là quá muộn. Nhưng hoàn cảnh của chị không thể đi sớm hơn”. Chị cùng chồng học chung một khoá Trường đại học Kiến trúc. Anh nhập ngũ theo lệnh động viện sinh viên các trường đại học năm 1971. Hết khoá huấn luyện, anh được phân về đơn vị đúng chuyên ngành đào tạo, được trao quân hàm Thiếu uý.
Trước khi anh đi B, hai người tranh thủ làm đám cưới. Anh nhập tuyến rồi hy sinh. Chị mang bầu, sinh con rồi khóc hết nước mắt khi nhận tin anh hy sinh… Giờ chị đã nghỉ hưu, con gái yên bề gia thất, chị mới đi tìm để đưa anh về.
Sê Ka Mán là một con sông nhỏ bắt nguồn từ sườn phía tây của dãy Trường Sơn, ngang với tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Với một lưu vực rộng lớn, độ dốc cao, dòng chảy theo hướng tây nam, hợp lưu với dòng Sê Kông ở khu vực A Ta Pư rồi chạy vào đất Campuchia… Các tuyến đường Trường Sơn phải vượt qua Sê Ka Mán, công binh mở đường phải tìm những đoạn nước nông, địa hình phù hợp để làm ngầm vượt sông và đường lên xuống ngầm thuận tiện.
Tuyến Tây Trường Sơn đầu tiên phải vượt qua sông Sê Ka Mán là tuyến ngang B46 - Chà Vằn đi Khâm Đức ở km58. Tuyến ngang này do Binh trạm 44, thuộc Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn phụ trách; trực tiếp chi viện cho chiến trường Khu 5 và Bắc Tây Nguyên. Do vây Mỹ - ngụy tìm mọi cách đánh phá ngăn chặn. Ngầm Sê Ka Mán trở thành trọng điểm đánh phá ngày đêm của không quân Mỹ.
Một tuyến đường Tây Trường Sơn nữa phải vượt qua sông Sê Ka Mán và cũng trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Đó là ngầm Sê Ka Mán - Binh trạm 36, thuộc Bộ Tư lệnh khu vực 471. Con ngầm này trên trục dọc 128 cách ngã ba Chà Vằn chừng hơn 30km về phía nam. Từ Chà Vằn đi vào 10km tới đèo Bô Phiên - một trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Đường leo đèo vượt dốc dài hơn 10km cho tới ngầm Sê Ka Mán. Bô Phiên - Sê Ka Mán là trọng điểm đánh phá liên hoàn của địch. AC.130 cũng gây cho ta tổn thất không nhỏ, nhất là các đoàn xe đi vào…
Ban liên lạc Sư đoàn 471 toàn quốc tổ chức gặp mặt ở Trung tâm văn hoá Hàng không - đường Nguyễn Sơn (Long Biên - Hà Nội). Đây là dịp để đồng đội toàn Sư đoàn trong cả nước về dự. Tôi điện cho chị Hải - mời chị về dự để kết nối thông tin. Ngay từ sáng sớm, chị đã bắt xe từ Hải Phòng lên. Thông tin về trường hợp hy sinh của chồng chị được thông báo tới toàn thể hội viên. Đề nghị các đồng chí ở Binh trạm 44 và 36 ai biết cung cấp tin cho chị. Chị ngồi hàng ghế đầu lắng nghe và chờ đợi… Hơn 700 hội viên chăm chú lắng nghe, nhưng không ai rõ trường hợp hy sinh của chồng chị. Chị lặng lẽ xách túi ra cửa sau. Tôi đi theo chị, mời chị vào phòng khách. Chị kể cho tôi nghe hành trình đi tìm chồng của chị. Qua đồng đội của chồng chị trở về sau chiến tranh, chị biết nhiều chi tiết về chồng chị, nơi anh hy sinh và đồng đội đã an táng như thế nào. Chị bảo:
- Tôi nghe ngầm Sê Ka Mán ở Binh trạm 44 nên tôi đã tìm gặp các anh ở Binh trạm 44. Anh Nam bảo: Anh là cán bộ tham mưu ở binh trạm, anh đưa cả bản đồ ra mà cũng chẳng giúp được gì. Giờ lại biết ở Binh trạm 36 cũng có ngầm Sê Ka Mán. Tôi biết làm sao đây?
- Vẫn còn ngầm Sê Ka Mán nữa - tôi tiếp lời chị.
- Ngầm nào nữa anh?
Tôi kể cho chị nghe còn ngầm Sê Ka Mán nữa. Đó là ngầm Sê Ka Mán đường 22, 24 kéo dài thuộc Bộ tư lệnh 470. Đây là trọng điểm, AC.130 cũng gây cho ta tổn thất rất lớn về người và xe trong mùa khô 1972 nhất là các đoàn đi thẳng. Đây là khu rừng khộp đúng như đồng đội chị đã thông tin. Đường ở khu vực này bằng phẳng AC.130 phát hiện đội hình xe bắn phá xe cháy, bộ đội thương vong là không thể tránh khỏi. Tôi nói với chị:
- Chị nên tìm theo hướng khác. Đó là cung cấp các thông tin mà đồng đội chồng chị đã cung cấp như: Khi an táng anh, đồng đội chôn cả khẩu súng ngắn của anh…, cho cơ quan chính sách hoặc báo chí để các đội quy tập mộ liệt sĩ biết mà hồi âm lại.
Chị ngỡ ngàng với đề nghị của tôi. Tôi tiếp:
- Bởi vì khu vực Nam Lào này có đến 3-4 ngầm Sê Ka Mán lại cách xa nhau hàng chục, hàng trăm ki-lô-mét, thuộc các binh trạm khác nhau. Đồng đội của chị chỉ nhớ là ở ngầm Sê Ka Mán. Nhưng lại không biết ở binh trạm nào. Do vậy rất khó cho chị. Nhưng các đội quy tập mộ liệt sĩ khi tìm được mộ họ sẽ ghi lại tỉ mỉ những thứ tìm được khi an táng. Hoặc có thể tìm theo nhiều cách như chị đang làm với thông tin tìm liệt sĩ và tổ chức đi tìm ở vị trí chôn cất nếu đồng đội của chồng chị vẫn còn có thể giúp được.
- Thôi đành phải vậy thôi - chị chào tôi ra về
Nhìn bóng hình chị khuất dần theo con phố đông người qua lại. Trong tôi đong đầy cảm xúc. Chiến tranh là vậy, hậu quả của nó còn để lại nhiều nỗi đau thương. Hiện đất nước ta còn có nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và cũng còn hàng chục nghìn mộ liệt sĩ chưa thể biết tên. Vì thế ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có một đền thờ để thỉnh các vong linh còn nằm lại trên khắp các chiến trường về đây tụ hội. Đó cũng là tình nghĩa của những người còn sống với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi sẽ nói với chị Hải: Nếu chị chưa tìm được để mang anh về thì anh vẫn được các đồng đội tưởng nhớ và hương khói. Cả nước tri ân các anh - những người con ưu tú đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Để hòa bình thịnh vượng như ngày nay, cầu cho linh hồn các anh siêu thoát về miền cực lạc phù hộ độ trì cho quốc thái dân an.
Nguyễn Kim Chúc