Lòng chảo Điện Biên Phủ nằm cách rất xa căn cứ địa Việt Bắc và các vùng tự do của ta. Nếu lấy sân bay Mường Thanh làm tâm, cắm vào đó một chân của chiếc com-pa vô hình và quay một cung với bán kính Hà Nội-Điện Biên Phủ, sẽ thấy các vùng tự do và Điện Biên Phủ đều nằm trên vòng cung đó. Dù từ Việt Bắc sang hay từ Thanh Hoá lên, nguồn lực sức người, sức của cung cấp cho mặt trận đều phải vượt qua một chặng đường dài 400-500km với bao dốc đèo hiểm trở, núi cao sông sâu. Chính vì thế, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương-Na-va cho rằng, đưa quân lên Tây Bắc giao chiến, ta đã sa vào cái bẫy về nhân tố đảm bảo do ông ta giăng ra. Trong Lễ Giáng sinh 1953, Na-va tuyên bố: “Việt Minh đã buộc phải đưa quân lên Tây Bắc. Nhưng việc cung cấp phải tiến hành trên một chặng đường khá dài, qua những vùng hiểm trở, nghèo xác xơ và đường giao thông hoàn toàn không có. Vận tải của Việt Minh đều do những “phu” gánh bộ, nếu có bằng ô tô chăng nữa thì cũng phải đi trên những đoạn đường rất xấu, luôn bị quân ta chia cắt”. Đại tá không quân Pháp-J. Roa thì cho rằng: “Địch khó đủ sức tiến công vào Điện Biên Phủ. Việt Minh không thể để các sư đoàn của họ sống xa căn cứ của mình lâu được”. Thậm chí, người Pháp còn hy vọng tận dụng nguồn lúa gạo ở vùng Tây Bắc để nuôi dưỡng từ 20.000 người đến 25.000 quân Pháp trong vài tháng.
Cho đến khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, người Pháp mới nhận ra rằng họ đã sai lầm, đó là đánh giá thấp và không đầy đủ vai trò nhân tố hậu phương của đối phương. Trong cuốn “Mắt thấy tại Việt Nam”, tác giả Ivon Pa-ni-en ghi lại lời than vãn của một sĩ quan cao cấp quân đội Pháp-Đại tá J. Roa: “Than ôi! Máy bay của chúng ta lại thua xe đạp thồ và đôi bồ dân công của Việt Minh. Không thể ngờ một chiếc xe đạp do chính chúng ta sản xuất khi được gia cố lại vành, săm, lốp, nan hoa tới tay cầm đã trở thành loại phương tiện có sức chở ghê gớm đến vậy!”. Đại tá J. Roa thừa nhận: “Chúng ta bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh, mà bởi trí thông minh đầy tính sáng tạo và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”. Còn bại tướng Na-va nhiều năm sau lên tiếng: “Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thực sự. Ngay trong vùng quân ta kiểm soát họ cũng có một uy quyền bí mật, đánh bại được uy quyền của chúng ta và cho phép họ thu thêm được một phần tài nguyên. Ở đó họ thu thuế, tuyển mộ quân, chở ra rất nhiều gạo, muối, vải vóc mà họ cần dùng. Ở đó họ mua sắm những chiếc xe đạp có tác dụng rất lớn trong công tác tiếp tế, các loại thuốc men cần thiết cho ngành y tế của họ, những hòn pin điện để lắp vào mìn giết hại binh sĩ Pháp”.
Theo thừa nhận của giới sử học Pháp, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuyến vận tải của quân ta (chỉ tính từ trung tuyến trở lên) đã sửa chữa 308km đường ô tô, làm mới 63km đường kéo pháo, phá 102 thác, tổng khối lượng đào đắp lên tới 35.000m3 đất, 15.000m3 đá, rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm do máy bay Pháp ném xuống. Hậu phương đã huy động cho mặt trận 261.500 dân công hoả tuyến (quy ra trên 18 triệu ngày công), 29.991 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ; cung cấp 27.400 tấn gạo, 268 tấn muối, 907 tấn thịt, 469 tấn thực phẩm khác, 55 tấn thuốc men và dụng cụ quân y, 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng và 51 tấn vật phẩm khác. Chỉ riêng tỉnh Thanh Hoá nằm trong vùng tự do đã đóng góp cho chiến dịch 80% số dân công, 80% số xe đạp và 50% số gạo. Khác với toan tính “hậu cần tại chỗ” của Na-va, chẳng những quân Pháp không thu được một hạt thóc nào để bổ sung cho kho quân lương của họ mà những người dân Tây Bắc dù còn nghèo khổ đã đóng góp 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 31.818 dân công.
Hàng nghìn chiếc xe đạp thồ thô sơ đã làm nên một con đường huyền thoại, con đường của ý chí sức mạnh toàn dân mà không một sức mạnh nào, vũ khí tối tân nào có thể chia cắt được. Những chiếc xe đạp thồ đó đã trở thành một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Đây là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường giành và bảo vệ độc lập tự do.
Đức Bình