KỶ NIỆM 61 NĂM CHIẾN DỊCH QUANG TRUNG - HÀ NAM NINH (5-1951): Thăm lại thị xã “tiêu thổ kháng chiến” năm xưa (16/05/2012)

Đoàn CCB chúng tôi, người trẻ nhất cũng đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy", lại trực tiếp tham gia chiến đấu, làm gì chẳng nhớ chiến dịch đã diễn ra như thế nào, song ai nấy vẫn cứ thi nhau kể về cuộc "bôn tập" xuống đồng bằng, về những trận đánh của mình, đơn vị mình ở cái thị xã "tiêu thổ kháng chiến" này. Đâu chỉ có một đại đoàn, chiến dịch mang tên vị anh hùng áo vải Quang Trung mở rộng tới suốt cả 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đại đoàn 320 bao vây, tiêu diệt địch ở vùng Hà Nam, Phủ Lý, khi có thời cơ, sẽ phối hợp với Đại đoàn 308 thọc sâu vào Nam Định. Đại đoàn 304 tiến công địch ở Yên Khánh, Yên Mô. Còn Đại đoàn 308 chúng tôi thì đánh Hoàng Đan và thị xã Ninh Bình. Kết quả. Các đại đoàn đã cùng lực lượng vũ trang và nhân dân 3 tỉnh diệt và bắt sống hơn 4.000 tên địch.

Khi vào thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, chúng tôi nhận ra ngay đây là vùng đất mà Pháp dựng lên đồn Hồi Hạc, bị đại đội anh hùng Nguyễn Quốc Trị san bằng. Trận đánh dứt điểm, Nguyễn Quốc Trị đi đếm xác giặc, nhận ra một viên sĩ quan Pháp, đeo lon 2 con đỉa vàng, nằm ngửa, ngực bị mảnh đạn súng cối phá bung, song chưa rõ là ai. Mấy ngày sau, giở tờ báo Lăng-tăng (phát hành ở Hà Nội) ra, anh em mới hay đó là trung uý Béc Na Đờ Lát, con trai độc nhất của tướng giặc Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương. Tờ báo đưa tin: Đờ Lát như bị sét đánh ngang tai. Vợ y thì ngất lịm. Sáng 1-6, y vội vã đáp máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội quát tháo quân tướng một trận, rồi thất thểu bỏ về Pháp làm ma cho con, bỏ mặc phó tướng Xa-lăng ở lại chống đỡ với quân ta.

Lúc sang tới chân núi Non Nước, không ai bảo ai, cả đoàn chúng tôi cùng đứng lặng giây phút. Chuyện anh Giáp Văn Khương nhảy từ đỉnh núi xuống là ở đây. Tại sao vậy? Non nước nằm ngay bên thị xã Ninh Bình. Phía bắc, núi nhô ra ngã ba sông Vân và sông Đáy; hai phía đông và tây dốc thành vại dựng đứng, có chỗ hàm ếch hoắm vào chân núi. Ngoài con đường đánh bậc ghép đá duy nhất ngoằn ngoèo chữ chi bò từ chân lên đến đỉnh phía nam, khó tìm ra được lối lên nào khác. Dựa vào thế núi, địch bố trí 2 tầng phòng ngự, lô cốt án ngữ cả bốn góc. Dưới chân núi, dày đặc những lớp rào kẽm gai, vây quanh dãy tường bằng đá đen ngòm lỗ châu mai, cùng mấy ụ súng 12 ly 7. Đêm 30-5, lệnh nổ súng tiến công Non Nước. Sau đợt pháo, cối của ta dập xuống đồn địch, trung đội xung kích của Ngô Thế Lương xông lên phá tan lớp hàng rào kẽm gai, áp sát chân núi. 12 ly 7 của địch phụt lửa, Giáp Văn Khương đã bò vào tận ụ súng, đút lựu đạn qua lỗ châu mai, dập tắt nó. Song con đường ghép đá độc đạo quá hẹp, không thể dàn hàng ngang mà đánh được, Ngô Thế Lương phải cho từng tổ nhỏ đánh lấn lên. Tổ 3 người của Giáp Văn Khương - trong đó có Lục và Xá, xung phong đi đầu. Địch thả lựu đạn từ trên xuống, trọng liên từ các lô cốt địch bắn chéo sang, rất khó tiến theo đường ghép đá, các chiến sĩ phải lợi dụng địa hình, địa vật bao quanh, tiếp cận địch. Bằng cách ấy, trung đội Ngô Thế Lương đã làm chủ tầng 1. Song tới đây, Giáp Văn Khương lại nảy ra sáng kiến: bí mật luồn lên tận đỉnh núi đánh xuống. Đề nghị này được Ngô Thế Lương đồng ý. Và thế là ba chiến sĩ Khương, Lục, Xá bỏ con đường độc đạo, bám vào những vách đá dựng đứng, trèo lên. Lúc lách người, lúc công kênh nhau, lúc lại tháo cả thắt lưng và dây súng ngoắc vào các gờ đá đu lên, tổ Khương đã chiếm được đỉnh núi. Trận đánh giáp mặt nổ ra, địch vây kín xung quanh, định bắt sống Khương, đạn hết, các tổ chiến đấu khác ở dưới không lên kịp, Giáp Văn Khương đành nhảy từ đỉnh núi xuống để không sa vào tay địch...

Chuyện cũ, lại nói về đồng đội mình, chính mình được chứng kiến, song anh em chúng tôi vẫn không nén được xúc động. Trở về hội trường Tỉnh uỷ, họp mặt với các đồng chí lãnh đạo và đại diện các đoàn thể của tỉnh, anh Trần Thịnh - người tiểu đội trưởng của Giáp Văn Khương ngày đó, lên đọc bài thơ nhớ về Tiểu đoàn 54 của Trung đoàn Thủ đô ngày ấy, giọng nghẹn ngào:

"... Tiểu đoàn trưởng Phúc Ánh ầm vang tiếng thét

Bão lửa ơi, hãy vây chặt đồn thù!

Nhà thờ Đại Phong bị đánh bất ngờ

Trăm lính Pháp về chầu âm phủ

Đồn Non Nước chọc trời, ngạo nghễ

Giặc huênh hoang: không sức nào có thể...

Chúng ngờ đâu gặp đối thủ kiên cường:

Cây súng tung hoành của Giáp Văn Khương

Làm kẻ địch kinh hồn bạt vía;

Và bao người chỉ huy ưu tú,

Xông xáo giữa đạn thù, có tiểu đoàn phó Vũ Phương

Luôn dẫn đầu mũi thọc sâu là trung đội trưởng Ngô Thế Lương

Mở đường xung phong có anh Phạm Úc...

Một tập thể kiên cường, gan góc

Chỉ một đêm Non Nước tan tành

Hồi Hạc hoảng hồn, cờ trắng giơ nhanh

Xác Béc-na nằm phơi dưới nắng;

Sông Đáy, sông Vân ầm ầm tung sóng

Tàu chiến ngả nghiêng, cái chạy, cái chìm

Nùi Kỳ Lân: 8 xe "cóc" cuồng điên:

Chiếc cháy thui, chiếc đổ kềnh bên thảm lúa...

NGUYỄN PHÚC ẤM

(Ghi theo lời kể của Ban liên lạc Trung đoàn Thủ đô)