Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 / 10-8-2021): Chung tay khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam thăm và tặng quà gia đình nạn nhân tại Cà Mau năm 2020.
Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 / 10-8-2021), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Việt Nam, để nhìn lại công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) trong chiến tranh; đồng thời, hiểu rõ hơn về công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.
Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết, 60 năm đã trôi qua, vì sao thảm họa da cam vẫn là nỗi ám ảnh đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Ngày 10-8-1961, vụ phun rải CĐHH đầu tiên do máy bay Mỹ tiến hành dọc theo Quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắc Tô, mở đầu Chiến dịch Khai quang (Operation Ranch Hand) kéo dài 10 năm, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Theo thống kê, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng gần 80 triệu lít CĐHH; trong đó 61% là CĐDC, chứa 366kg dioxin. CĐDC/dioxin có khả năng gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, như: Ung thư da, đột biến gen, dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản... đặc biệt, nó có thể di truyền qua nhiều thế hệ. CĐDC/dioxin làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hiện nay, ở nước ta CĐDC/dioxin di truyền sang thế hệ thứ 3 và có nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều gia đình có 3 thế hệ là nạn nhân. Hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chết dần, chết mòn, vật vã, đau đớn vì những căn bệnh quái ác liên quan đến CĐDC.
PV: Thời gian qua, Đảng, Chính phủ có những chủ trương, chính sách gì khắc phục hậu quả CĐDC, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của CĐHH đối với môi trường và con người, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả CĐDC, hàng năm Nhà nước dành khoản ngân sách lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC. Ngày 5-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg “Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (Vietnam Association for Victims of Agent Orange/dioxin-VAVA) được thành lập. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh. Đến nay, hội có 63 tổ chức thành viên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 400.000 hội viên. Hoạt động của hội nhằm giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân CĐDC, góp phần khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam và đại diện cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Quá trình hoạt động, các cấp hội đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân CĐDC; phấn đấu hoàn thành mục tiêu bảo đảm 100% người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ bị di nhiễm được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, khơi dậy và phát huy tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng, góp phần tích cực vào việc chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân. Theo thống kê, đến nay, các cấp hội vận động giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân tổng số tiền hơn 2.660 tỷ đồng; trong đó chi xây dựng gần 6.750 nhà tình nghĩa, trợ cấp 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ, Tết, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất... được 3.860.250 suất; xây dựng và duy trì hoạt động của 26 Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân CĐDC thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành phố. Đến nay, các trung tâm tổ chức xông hơi, giải độc, phục hồi sức khỏe cho hơn 10.000 lượt nạn nhân CĐDC, đạt kết quả tốt, không xảy ra tai biến y tế...
PV: Đồng chí nói rõ hơn về công tác đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam thời gian qua?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Quan hệ đối ngoại của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam không ngừng được mở rộng. Hằng năm, hội các cấp tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế và hàng trăm cá nhân đến từ các châu lục. Hội duy trì liên lạc thường xuyên với 30 tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới; đón gần 100 đoàn khách quốc tế vào làm việc với Trung ương Hội và thăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hoạt động đối ngoại góp phần vận động được hàng triệu USD ủng hộ nạn nhân CĐDC. Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam có quan hệ hợp tác với 15 cơ sở nghiên cứu trong nước và nhiều cơ sở của các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Liên bang Nga...
Trong đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam, ngay sau khi thành lập, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đứng ra khởi kiện 37 công ty sản xuất và cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tiếp đó, nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới đã đấu tranh đòi công lý; điển hình là vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của bà Trần Tố Nga, một công dân Pháp, cũng là nạn nhân CĐDC trong chiến tranh ở Việt Nam. Mặc dù, các vụ kiện do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam và một số cá nhân đứng ra chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng đã tạo được tiếng vang lớn và được nhân dân thế giới quan tâm và ủng hộ; bước đầu tác động tích cực đến thái độ và hành động của Chính phủ Mỹ đối với việc khắc phục hậu quả CĐHH tồn lưu sau chiến tranh và hỗ trợ nhân đạo cho người khuyết tật, không phân biệt nguyên nhân ở Việt Nam. PV: Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả CĐDC/dioxin, nhất là công tác hỗ trợ, chăm lo, bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân tiếp tục đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Vậy các địa phương, nhất là các cấp hội cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Trước hết, phải đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả CĐHH trong chiến tranh. Trong đó, chú trọng quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới.
Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC”, nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Qua đó, tăng cường vận động nguồn lực, cả trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.
Các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân CĐDC; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân. Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin từ Trung ương đến địa phương phối hợp với cơ quan chức năng của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh cùng cấp tiếp tục rà soát, thẩm định hồ sơ, bảo đảm quyền lợi của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đã có đủ điều kiện, nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách theo quy định; đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt các vướng mắc, khiếu kiện từ cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Trên cơ sở Thông báo Kết luận số 158-TB/KL, ngày 2-1-2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về hội quần chúng”, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế.
Hậu quả CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề, lâu dài, vì vậy, mỗi tổ chức, cá nhân cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nạn nhân CĐDC vượt qua khó khăn, bệnh tật, hòa nhập cộng đồng. Đó vừa là truyền thống, đạo lý của dân tộc, vừa là trách nhiệm của cộng đồng xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
DUY THÀNH (thực hiện)