Kỷ niệm 55 năm ngày thÀnh lập Không quân nhân dân Việt Nam (3-3-1955 - 3-3-2010): Không quân ta bắn hạ B52 Mỹ (04/03/2010)
Trong trận “ Điện Biên Phủ trên không” đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc, cuối tháng 12 năm 1972, ông là Chính uỷ Binh chủng Không quân. Trong ngôi nhà nhỏ, yên tĩnh ở khu tập thể 16A Lý Nam Đế, Hà Nội, tôi được nghe ông bồi hồi kể lại cuộc chiến đấu dũng cảm của Không quân ta:
- Trước đó, Không quân ta đã bắn rơi hơn 300 chiếc của 19 loại máy bay hiện đại nhất nước Mỹ; trong đó có một chiếc B52 do phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương vào tối ngày 20 tháng 11 năm 1971 trên tuyến đường Trường Sơn. Nhưng bắn rơi tại chỗ máy bay B52, thì những ngày đầu trong 12 ngày đêm cuối tháng chạp năm 1972 chưa làm được. Đảng uỷ, Bộ tư lệnh Binh chủng đã nhận được hàng ngàn quyết tâm thư của tập thể và cá nhân thể hiện ý chí cháy bỏng là được bắn rơi B52 Mỹ. Có phi công còn đề nghị: “Nếu bắn hết hai quả tên lửa mà B52 chưa rơi, thì xin tình nguyện cùng máy bay làm quả tên lửa thứ ba, cứ cho anh em xuất kích…”. Chúng tôi đã thông qua phương án đánh đêm của đoàn Sao Đỏ và phi công Phạm Tuân được thể hiện nguyện vọng của toàn binh chủng với mệnh lệnh: Chỉ được phép đánh thắng và trở về an toàn.
Để tạo bất ngờ và giữ bí mật địa điểm cất cánh, quân chủng lập một đài chỉ huy phụ ở Mộc Châu rồi chuyển Phạm Tuân lên sân bay Yên Bái, một sân bay vừa được tu sửa để đợi sẵn. 22 giờ ngày 27 tháng 12 năm 1972, sở chỉ huy Binh chủng Ra đa thông báo: “B52 xuất hiện”. Trên bản đồ, những đường chì đen thể hiện các tốp máy bay địch ngày một nhiều và trườn dần vào biên giới Tây Nam nước ta. Đồng chí Trần Hanh, Phó tư lệnh Binh chủng, trực tiếp chỉ huy trận đánh, lệnh cho các đơn vị vào cấp 1 và chỉ thị: “Chú ý tốp 14”, tốp 14 có tín hiệu của B52. Khi chúng vào đến bầu trời tỉnh Lai Châu thì Phạm Tuân bắt đầu cất cánh. Anh lấy độ cao lên 3.000m, rồi 5.000m… sau đó được đài chỉ huy phụ Mộc Châu đưa vào khu vực chiến đấu trên không. Một tốp máy bay tiêm kích của địch lao tới chặn đường Phạm Tuân nhưng đài chỉ huy phụ đã kịp thời đổi hướng bay, giúp anh lấy lại bí mật vượt qua bọn tiêm kích, khống chế được khu vực rồi thấy anh reo lên trong máy:
- Hồng Hà, tôi đã thấy mục tiêu!
Đồng chí Trần Hanh nhắc Phạm Tuân. Phải nhận diện đúng B52. Không là B52, không đánh. Đài chỉ huy thông báo cho Phạm Tuân khoảng cách với mục tiêu 12 km rồi 6km, tiếng Phạm Tuân lại vang lên:
- Hồng Hà, cho phép được công kích!
Vài giây sau, Sở chỉ huy Ra đa thông báo: Tốp 14 bị xóa, các tốp khác đang dãn rộng. Nhìn đường chì đen số 14 trên bản đồ dừng lại, chiến sĩ tiêu đồ khoanh một đường tròn rồi gạch chéo, ghi điểm chết, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, miệng reo vang mà nước mắt cứ trào ra.
Mọi người chỉ bừng tỉnh rồi im bặt khi nghe người chiến sĩ thông tin gọi thống thiết:
- A lô. A lô, Hồng Hà gọi… A lô… Hồng Hà…
Im lặng đến lạnh người. Thì ra, sau khi thấy đúng là B52, Phạm Tuân đã phóng tên lửa, sau đó tắt máy tạm dừng liên lạc về sở chỉ huy để giữ bí mật, giảm nhanh độ cao xuống còn 2km thoát khỏi vòng vây của máy bay tiêm kích địch rồi hạ cánh xuống sân bay Đa Phúc (nay là sân bay quốc tế Nội Bài).
Đêm 28 tháng 12 năm 1972, Thường vụ Đảng uỷ Binh chủng giao nhiệm vụ chiến đấu cho đoàn Lam Sơn. Lúc 21 giờ 41 phút giặc Mỹ cho 60 lần chiếc B52 vào đánh Hà Nội. Phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy, Thanh Hóa (một sân bay dã chiến vừa được làm vội để phục vụ cho chiến dịch). Vũ Xuân Thiều được đài chỉ huy dẫn bay theo hướng hoàn toàn bất ngờ đối với địch. Lọt qua hàng rào máy bay tiêm kích, đến vùng trời Sơn La thì anh tiếp cận được máy bay B52. Được lệnh của sở chỉ huy, Vũ Xuân Thiều dũng cảm công kích, bắn rơi tại chỗ một B52, làm cho những chiếc khác bỏ chạy, nhưng anh đã hy sinh anh dũng… Sau nghe anh em trong đài chỉ huy kể lại: Những giây phút cuối cùng Vũ Xuân Thiều gọi về: “Thăng Long, tôi đã phóng hết hai quả tên lửa, B52 chỉ bị thương. Xin phép được tiêu diệt...”. Đài chỉ huy yêu cầu “Thăng Long gọi 24, đề nghị nói rõ hơn”. Vũ Xuân Thiều chậm rãi: “Xin phép được tiêu diệt”. Sau đó không còn liên lạc được với anh. Vũ Xuân Thiều đã đâm máy bay của mình vào B52 Mỹ, hai chiếc rơi cách nhau 5km trên đất Sơn La.
Tới đây, Thiếu tướng Đặng Văn Duy dừng lại giây lát, nhấp một ngụm nước nhỏ rồi thong thả:
- Bây giờ mỗi khi nghe tin máy bay B52 của Mỹ ném bom ở đâu đó trên thế giới, tôi lại nhớ tới những trận không chiến ngày nào, mà tự hào về ý chí “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Thủ đô Hà Nội, của quân đội và dân tộc Việt Nam anh hùng.
XƯƠNG GIANG