Kỷ niệm 54 năm Bác Hồ đi xa, toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Bác: Văn hóa Hồ Chí Minh
Văn hóa Việt Nam, là thể hiện sự tư duy sáng tạo của người Việt Nam, gồm ý thức, ngôn ngữ, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, thẩm mỹ, được cụ thể hóa trong văn hóa vật chất, vật thể, phi vật thể và các giá trị tinh thần khác.
Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội II của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ngày 11-2-1951, Bác Tôn Đức Thắng đã nói: “Đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là của Hồ Chí Minh” (HCM toàn tập Nxb CTQG HN năm 2001). Như vậy, có thể khẳng định, Bác Hồ là hiện thân cho một nguồn văn hóa đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam và trở thành một thành tố văn hóa của dân tộc, đó là: văn hóa Hồ Chí Minh. Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống của dân tộc với những tinh hoa văn hóa phương Tây và phương Đông đương đại. Văn hóa Hồ Chí Minh là nêu cao tinh thần đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, vì độc lập cho đất nước, vì tự do hạnh phúc cho dân, chăm chút, bồi dưỡng môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc và tình đoàn kết quốc tế. Bác là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là Danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới. Ở Bác, là sự hội tụ vẻ đẹp từ nhân cách, trí tuệ đến tâm hồn. Nguồn văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện qua những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, như: Bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng Thủ đô Hà Nội, các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa, các sách báo và sáng tác nghệ thuật nhiếp ảnh, hội họa, tác phẩm điêu khắc, tượng đài… ca ngợi Bác. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ta có thể thấy trong bản Di chúc cuối đời của Bác, thực sự là một tác phẩm văn hóa vô cùng quý giá. Cuối bản Di chúc Bác viết: “…Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Bác đã nêu gương sáng về sự thực hành tiết kiệm và tình yêu thương bao la dành cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà văn hóa Hồ Chí Minh, đã định hướng cho chúng ta tu dưỡng về đức cần, kiệm, liêm chính, chí, công, vô tư, về đạo làm người, về sự kiên định con đường giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội với ý thức “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cương lĩnh của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là vô cùng cần thiết. Văn hóa ở thời nào cũng đều được cuộc sống con người chắt lọc, để giữ mặt tiến bộ, những yếu tố tích cực, loại bỏ cái không còn phù hợp với thời đại. Có thể khẳng định rằng: Nền văn hóa Việt Nam ta, ở thời nào cũng có tính tiên tiến và đậm đà bản sắc của dân tộc. Cụ thể trong Tuyên ngôn: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” (sông núi nước Nam, vua nước Nam ở…) tương truyền của Lý Thường Kiệt, thời chống giặc Tống phương Bắc, là biểu hiện sức mạnh của văn hóa độc lập chủ quyền của dân tộc. Lời hịch của vua Quang Trung: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Đánh cho kẻ thù dân tộc và cho lịch sử biết rằng: Nước Nam anh hùng là có chủ)”. Lời hịch đó cũng là biểu hiện của bản lĩnh văn hóa dân tộc tiên tiến và phù hợp với mọi thời đại. Nền của văn hóa là mặt bằng dân trí và trình độ học vấn của nhân dân lao động. Đỉnh cao là những nhân tài về văn hóa với những tác phẩm, những công trình có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật trên các lĩnh vực văn hóa, làm cho văn hóa bản sắc Việt Nam sánh vai cùng văn hóa tiên tiến các nước trên thế giới.
Ngày nay trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước, dân tộc ta vô cùng tự hào được sống trong Thời đại Hồ Chí Minh, có văn hóa Hồ Chí Minh, làm điểm tựa, để dân tộc ta anh dũng đương đầu với mọi sự thù địch của các thế lực phản động quốc tế và ngoại quốc xâm lược, với khí phách và tinh thần hiên ngang, biết sống oanh liệt, chết vẻ vang. Dân tộc Việt Nam quyết bảo vệ và phấn đấu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng, xã hội văn minh” để sánh vai với các nước cường quốc năm châu như lòng mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
Hoàng Bích Hà