Kỷ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Những người mở màn chiến dịch
Lúc 2 giờ sáng 31-1-1968, một Đội biệt động 17 chiến sĩ tiếp cận Tòa Đại sứ quán Mỹ, nhanh chóng diệt lính gác, dùng bộc phá đánh sập tường bao, thọc thẳng vào tòa nhà chính, chiếm giữ tầng một, diệt nhiều quân cảnh, đẩy lùi các đợt phản kích của địch. Đến 9 giờ sáng, địch dùng trực thăng đổ quân đánh từ sân thượng xuống, phối hợp với quân từ nhà Đại sứ Pháp đánh sang. Trận đánh không cân sức diễn ra gay go, quyết liệt, các chiến sĩ biệt động anh dũng chiến đấu, giành giật với địch từng bậc cầu thang, từng căn phòng. Các lực lượng chi viện không đến kịp như kế hoạch. Toàn đội biệt động đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; 15 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương và bị bắt.
Tại Dinh Độc Lập, Cụm biệt động 345 sử dụng Đội 5 gồm 15 chiến sĩ (có 1 nữ) cơ động bằng xe ô tô đến tiếp cận mục tiêu. Do bộc phá không nổ, không phá được tường bao nên xe ô tô chứa chất nổ không lọt được vào bên trong, nhưng Tổ đột phá đã nhanh chóng nhảy vào bên trong cổng. Địch bắn chặn dữ dội, toàn Đội phải lui ra, bị địch bao vây phong tỏa, ta vừa rút vừa chiến đấu trên đường Nguyễn Du, bắn cháy 3 xe zeep, diệt nhiều lính ngụy, nhưng ta cũng bị thương vong dần, lại không có lực lượng đến tiếp ứng theo kế hoạch. Cuối cùng toàn đội hy sinh.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, ở cổng số 4 và 5 bị một bộ phận Tiểu đoàn đặc công 4 cùng với Tiểu đoàn bộ binh 2 của Phân khu 1 (Hóc Môn, Gò Vấp) tiến công, một phần khu vực Bộ Tổng tham mưu và nhiều vị trí quan trọng bị đánh chiếm. Trong lúc đó, cổng số 2 và cổng Phi Long cũng bị Cụm biệt động 679 uy hiếp mạnh. Mặc dù lực lượng ta và địch quá chênh lệch, các đơn vị biệt động chiến đấu cầm cự với địch gần hai ngày, vượt thời gian dài so với kế hoạch. Do không có lực lượng đến tiếp ứng và hết đạn, đến 14 giờ ngày 1-2-1968, các đơn vị buộc phải phân tán lực lượng về các cơ sở.
Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Cụm biệt động 345 sử dụng 12 chiến sĩ tiếp cận mục tiêu, diệt lực lượng bảo vệ, chiếm giữ đài chờ kỹ thuật viên vào phát sóng kêu gọi quân dân toàn Miền nổi dậy nhưng không có đơn vị nào vào tiếp ứng, kỹ thuật viên phát thanh cũng không đến. Trước sự phản kích quyết liệt của địch, buộc ta phải phá hủy Đài và tiếp tục chiến đấu, 10 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Tại Bộ Tư lệnh Hải quân, Đội biệt động 3 thuộc Cụm 345 có 16 chiến sĩ cơ động bằng ô tô đến tiếp cận mục tiêu tại cổng chính, diệt lính gác, lao ngay vào bên trong, tỏa ra đánh chiếm các vị trí dưới làn đạn xối xả của địch, quân số bị hao hụt nhanh chóng, số còn lại cầm cự đến sáng vẫn không thấy lực lượng bên ngoài vào. Cuối cùng, 14 chiến sĩ hy sinh, chỉ còn 2 chiến sĩ (có 1 nữ) vượt được vòng vây về cơ sở…
Bằng trí thông minh, chiến thuật điêu luyện và tinh thần dũng cảm vô song, lòng yêu nước cao độ, các đơn vị đặc công, biệt động đã mở màn xuất sắc cho Tổng tiến công và nổi dậy bằng loạt trận đánh trúng cơ quan đầu não chiến lược của địch, gây chấn động mạnh cho cả nước Mỹ.
Những chiến công xuất sắc của lực lượng đặc công, biệt động Sài Gòn và các thành phố, thị xã khác trong những ngày Tết Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Thiên anh hùng ca của những chiến sĩ biệt động đã góp phần làm nên một mùa Xuân bi tráng của dân tộc. Hình ảnh họ trong đêm Mậu Thân rực lửa mãi mãi là những hình tượng biểu trưng cho sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam, sức mạnh đã đưa dân tộc Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh.
ĐĂNG QUANG