Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: Dấu son trong lịch sử Cố đô

Thực tế, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư, trong quá trình lãnh đạo cuộc chiến đấu ở chiến trường, Quân khu Trị-Thiên đã tổ chức tiến công và nổi dậy liên tục trên cả ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược, ba thứ quân, liên tục giành thắng lợi vẻ vang trong chống “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, nhất là trong các năm 1966-1967, và đã xây dựng được lực lượng vũ trang, chính trị ở nội thành Huế, đưa chiến tranh vào vùng ven đô.
Chuẩn bị trực tiếp cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Quân khu Trị - Thiên sớm tổ chức hội nghị chuẩn bị phương hướng tiến công địch ở T.P Huế, chuẩn bị lực lượng, tổ chức chiến trường. Theo đó, ta hình thành lực lượng lớn ở hai cánh nam - bắc sông Hương, từ vùng núi vượt qua làng mạc, sông suối, đồn bốt địch phục kích dọc đường, tiến công mục tiêu đúng giờ quy định, tạo yếu tố bất ngờ với địch.
2 giờ 33 phút ngày 31-1-1968, với cách đánh bất ngờ, đồng loạt, kết hợp chặt chẽ tiến công và khởi nghĩa, đến 3-2 lực lượng cách mạng đánh chiếm phần lớn các mục tiêu quan trọng trong thành phố Huế (trừ SCH Sư đoàn bộ binh 1 của địch ở Mang Cá), giành quyền làm chủ ở nhiều xã thuộc các huyện ven đô. Từ 7-2, tập trung đánh địch phản kích, giữ vững quyền làm chủ; đến 23-2 được lệnh rút ra khỏi thành phố, tiếp tục đánh địch ở vòng ngoài. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 tên địch, bắn cháy và phá hủy 50 máy bay, hàng trăm xe quân sự, thu và phá hủy hơn 2.500 súng, pháo các loại cùng nhiều kho tàng, phương tiện quân sự khác; đập tan phần lớn bộ máy chính quyền địch ở cấp tỉnh, huyện tới xã, thôn, giải phóng hàng nghìn tù chính trị và hàng trăm nghìn dân, thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi.
Bất ngờ nhất với địch là ta tổ chức lực lượng đánh chiếm Huế nhanh gọn. Quân dân ta đã chuyển chiến tranh vào thành phố, biến hậu phương địch thành nơi tranh chấp và từng bước trở thành tiền phương của cách mạng. Thắng lợi của tiến công Huế xuân Mậu Thân 1968 (trong đó có việc giành và giữ vững quyền làm chủ ở nội thành Huế 25 ngày đêm) có ý nghĩa lớn về chính trị, quân sự, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Thắng lợi ở Mặt trận Huế bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư. Mặt khác, do phát huy sức mạnh quần chúng, tạo thế trận chiến tranh nhân dân, nên khi địch tập trung lực lượng đánh phá, quân dân Huế anh dũng chiến đấu, đáp ứng niềm tin yêu của nhân dân cả nước. Báo Nhân Dân số ra ngày 27-2-1968 viết: “Cả nước ta tự hào về Thừa Thiên Huế, mảnh đất yêu thương của Tổ quốc đã góp phần rất vẻ vang vào thắng lợi mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của miền Nam anh hùng”.
Với thắng lợi to lớn và toàn diện trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng bộ T.P Huế được T.Ư điện biểu dương: “Đảng bộ kiên cường về tư tưởng, vững mạnh về tổ chức, trong sạch nội bộ, đoàn kết nhất trí”. Giữa cuộc chiến đấu, ngày 21-2-1968, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh và ghi nhớ công ơn của đồng bào và các lực lượng vũ trang nội ô và ngoại ô T.P Huế hết lòng giúp đỡ bộ đội, phục vụ tiền tuyến, cùng chiến đấu với các lực lượng vũ trang giải phóng, góp phần quyết định vào những thắng lợi đã giành được. Ngày 1-3-1968, Ủy ban T.Ư Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương công trạng về cuộc tiến công toàn diện đầu Xuân 1968, trong đó có tuyên dương công trạng của quân và dân Trị Thiên - Huế, tặng danh hiệu “Tấn công - Nổi dậy - Anh dũng - Kiên cường” cho quân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xuân Mậu Thân 1968, một dấu son đỏ thắm trong lịch sử Thừa Thiên Huế, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Trang sử vẻ vang đó đang được viết tiếp trong thời kỳ xây dựng thành phố văn minh, hiện đại trên Cố đô có hai di sản văn hóa nhân loại, trên thành phố Huế anh hùng.
KHÔI NGUYÊN