Kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Không liên kết (1-9-1961 - 1-9-2011): Chia sẻ tầm nhìn, cơ hội và thách thức mới (01/09/2011)

Các đóng góp của NAM

Mục đích của tổ chức này là đảm bảo sự độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia Không liên kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tất cả những hình thức xâm lược hoặc chiếm đóng. Từ 25 thành viên ban đầu, cho đến nay, NAM đã trở thành một phong trào quốc tế ngày càng lớn mạnh với 118 thành viên chính thức và 20 quan sát viên đến từ châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, Trung Mỹ, vùng Ca-ri-bê và Trung Đông. Phong trào này đại diện cho gần hai phần ba số thành viên Liên hợp quốc và chiếm hơn một nửa dân số thế giới. 50 năm qua, tinh thần đoàn kết giữa các thành viên của NAM vẫn luôn được duy trì và phát huy bất chấp những thay đổi lớn lao của tình hình thế giới, tuy phong trào này mong muốn các quốc gia có liên kết chặt chẽ với nhau, bởi nó có liên kết khá lỏng lẻo.

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 16 của NAM đã diễn ra vừa qua tại In-đô-nê-xi-a với chủ đề "Chia sẻ tầm nhìn về các đóng góp của NAM trong 50 năm tiếp theo". Hội nghị tổng kết 50 năm hoạt động của NAM và định hướng cho thời gian tới. Tuyên bố chung Ba-li, khẳng định NAM cần tập trung vào những vấn đề giúp củng cố tình đoàn kết và quan điểm chung giữa các thành viên, đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của phong trào này trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển. Đồng thời cũng đưa ra một loạt mục tiêu và nguyên tắc sẽ xúc tiến trong tương lai, trong đó có mục tiêu hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân; tạo ra một thế giới đa cực, loại bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương áp đặt lên bất cứ thành viên nào của Phong trào Không liên kết, phản đối mọi hành động nhằm làm thay đổi các chính phủ một cách vi hiến hoặc những âm mưu thay đổi chế độ.

Việt Nam với Phong trào

Không liên kết

Năm 1976, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 5 họp tại thủ đô Cô-lôm-bô, Xri-lan-ca, Việt Nam gia nhập Phong trào Không liên kết và luôn coi trọng việc tham gia của mình, coi đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế và đã khẳng định: "Phong trào là một trong những lực lượng hòa bình lớn nhất của thời đại".

Có thể nói, 50 năm qua NAM với vai trò là một tập hợp lực lượng chính trị không thể thiếu của các nước đang phát triển, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đoàn kết chống lại các chính sách cường quyền, phấn đấu xây dựng các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, NAM cần tiếp tục giữ vững các nguyên tắc cơ bản vốn được coi là kim chỉ nam hoạt động trong suốt 50 năm qua, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Phong trào cũng cần nâng cao vai trò và tăng cường đoàn kết để chủ động xử lý các thách thức toàn cầu hiện nay, đồng thời thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và tham gia giải quyết các điểm nóng thông qua các biện pháp hòa bình, góp phần tích cực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của các dân tộc. NAM cần có lập trường thống nhất và mạnh mẽ hơn chống lại các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của các nước dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền hay đơn phương áp đặt các biện pháp bao vây, cấm vận đối với một số nước thành viên của Phong trào.

Có thể thấy, xuyên suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước 25 năm qua, Việt Nam luôn tích cực tham gia vào các hoạt động của NAM, đồng thời đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện cũng như các khuyến nghị cụ thể nhằm góp phần nâng cao vai trò của Phong trào. Với việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực hơn nữa cho các mục tiêu cao cả của NAM, nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Thanh Lâm