Kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Pari (1973-2023): Nhớ ngày 27 tháng 1 năm 1973
Đại tá Nguyễn Phước.
Tôi gia nhập Quân giải phóng tháng 12-1964, vào đơn vị A22 Công an vũ trang Phú Yên, năm 1966 được điều động vào công tác tại Tỉnh đội Khánh Hòa. Chiến trường Khánh Hòa lúc đó không ác liệt lắm, nhưng thường bị đói vì do vùng giải phóng chưa được mở rộng. Đầu năm 1967, sau khi lành vết thương do chiến đấu với quân Nam Triều Tiên trong những trận trước đó, tôi được chọn đi đào tạo tại Trường sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây. Tháng 6-1968, tốt nghiệp ra trường, được bổ nhiệm làm Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Chiến trường B5 lúc đó vô cùng ác liệt, nhất là giai đoạn từ tháng 6-1972. Đơn vị tôi được bố trí từ Thành cổ Quảng Trị, dọc theo bờ nam sông Thạch Hãn đến Cửa Việt. Chiến trường ác liệt nhưng cán bộ, chiến sĩ không phải nhịn đói vì có gạo và lương khô của mặt trận bảo đảm. Tuy nhiên, bộ đội lúc đó sống chủ yếu dưới hầm, không mấy khi lên khỏi mặt đất vì máy bay B52 và pháo hạm của địch quần lượn bắn phá suốt ngày đêm. Tôi còn nhớ lúc đó có ai nói: “Xung quanh, trong và ngoài Thành cổ Quảng Trị mỗi ngày quân ta mất cả một đại đội”. Điều đó là có thật, nhất là những ngày trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực.
Tôi có những kỷ niệm không thể nào quên của cuộc đời người lính, đó là vào sáng ngày 27-1-1973; ta đang quần nhau với địch giành lại từng mét đất để cắm cờ khẳng định chủ quyền thì lúc 8 giờ (cùng ngày) hai chiếc máy bay trinh sát của địch OV10 và L19 trên bầu trời tự nhiên biến mất, cùng lúc pháo 130 của ta cũng ngừng bắn… Vậy là quân lính hai bên cả ta và địch đều hô to: Ngừng bắn rồi!... Ngừng bắn rồi!... Và đúng là ngừng bắn thật!.
Câu chuyện thật xúc động là Quân giải phóng khi ngừng bắn vẫn có lương khô dắt lưng để ăn, còn bọn thủy quân lục chiến ngụy thì sau mấy ngày ăn gạo sấy không đủ no, đói và thèm khát nên đến bên Quân giải phóng để xin lương khô ăn rất bình thường. Hình ảnh đó đã theo tôi suốt đến ngày giải phóng và cho hết cuộc đời 45 năm binh nghiệp cho đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc, chỉ một ngày trôi qua, sang ngày 28-1-1973 thì địch đã lật lọng và vi phạm các điều khoản của Hiệp định Pari. Chúng tập trung binh hỏa lực mạnh với xe tăng, thiết giáp đánh nống ra, có thời điểm chúng chỉ cách cảng Cửa Việt chưa đầy 1km. Đến sáng ngày 30-1-1973, đơn vị chúng tôi được sự chi viện hỏa lực của đơn vị bạn, cùng với xe tăng T54 của ta vượt sông yểm trợ. Tập trung tấn công quyết liệt, đến 10 giờ 30 phút, ngày 30-1, ta đẩy lùi quân địch về vị trí cũ như trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực, cách cảng Cửa Việt 7km về phía nam.
Kết quả đó giúp Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phú Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có một cảng biển cho riêng mình làm bàn đạp tiếp tục đấu tranh và giao lưu quốc tế.
Một kỷ niệm nữa mà đã 50 năm tôi không thể quên được, đó là: Trước ngày 27-1-1973, Trung đoàn 101 của chúng tôi bắt được hai tên lính thủy quân lục chiến ngụy đưa về hầm giao ban Trung đoàn, giao cho đồng chí Kim - Trưởng ban Trinh sát khai thác. Là người miền Nam nên quá trình hỏi cung hai tên địch, tôi được cùng ngồi nghe. Khi nghe tôi nói giọng miền Nam, hai tên tù binh cứ nhìn tôi tỏ thái độ muốn cảm thông, xin được cầu cứu. Hiểu ý, tôi nói: “Nếu không khai thì sẽ bàn giao cho du kích”. Vậy là hai tên địch tự khai không thiếu một sự thật nào. Đồng chí Kim nói với tôi: “Nhờ có anh Hai miền Nam!.”.
Tôi vốn ít muốn nói về mình vì theo tôi nhắc lại chiến tranh mất mát, nhắc lại những cái gọi là công lao của mình trong quá khứ là điều không hay chút nào. Nhưng vì các con cháu nhiều lần gặng hỏi muốn nghe tôi kể lại những câu chuyện chiến trường và cũng là để nhắc nhở con cháu rằng: Có được cuộc sống hòa bình hôm nay thì các thế hệ ông cha đã phải đổi bằng máu xương với biết bao gian khổ ác liệt, để con cháu biết mà cố công gìn giữ.
Cùng thời chiến đấu với tôi ở Quảng Trị ngày đó, hiện còn có các đồng chí như: Nguyễn Thanh - nguyên Chính trị viên Đại đội 20 vận tải, Lê Văn Thức - nguyên chiến sĩ Đại đội 24 quân y (là sinh viên Đại học Y khoa, quê ở Quảng Trị) và nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương là đồng đội cũ ở Trung đoàn 101, họ đều bị thương nhưng rất may là được sống sót đến ngày hôm nay. Cũng xin nói thêm, đồng chí Nguyễn Thanh hiện cư trú tại xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, đồng chí Lê Văn Thức cư trú ở phường 8, T.P Tuy Hòa, Lê Bá Dương cư trú ở T.P Nha Trang. Thi thoảng, anh em chúng tôi vẫn gặp nhau, ôn lại chuyện của một thời chiến chinh ác liệt. Khi gặp tôi, Lê Bá Dương thường “bốc” đọc lại bốn câu thơ ông ấy viết: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Còn Lê Văn Thức thì cũng có những bài thơ viết về đời binh nghiệp và những gì sau chiến tranh, có ý định in thành tập, đề nghị tôi viết lời giới thiệu để xuất bản nhưng đến nay vẫn chưa thể ra mắt bạn đọc được. Tuy không có gì lớn lao, nhưng chúng tôi luôn tự hào là mình đã góp một phần nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại hòa bình cho cuộc sống hôm nay.
Phú Yên, ngày 20-1-2023
Đại tá Nguyễn Phước* kể, Nguyễn Bá Thuyết ghi
_____________
* Đại tá Nguyễn Phước - nguyên cán bộ đại đội thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh - Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh Phú Yên.