Tại đây, tôi có dịp gặp ông Vũ Tấn Ích, người thuyền trưởng đã đưa 9 con tàu không số cập bến thành công. Không kìm nén được những ký ức đang dội về, gạt đi những giọt nước mắt, ông nói: “Từ ngày giải phòng đến nay đã 50 năm mới được gặp lại anh em đồng đội, thỏa được nỗi nhớ đồng đội, đây thực sự là một kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên”.

Năm 1948, khi vừa tròn 18 tuổi, Vũ Tấn Ích, chàng trai quê Bình Thới, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã nhập ngũ tại Trung đoàn 108, hoạt động trên chiến trường Khu 5. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được cử đi đào tạo thuyền trưởng ở Trung Quốc, tốt nghiệp, được phong quân hàm trung úy, bổ nhiệm làm Thuyền trưởng thuyền số 5, Phân đội 1, Đoàn 130 Hải quân. Đến đầu năm 1963, ông được giao nhiệm vụ làm Thuyền trưởng kiêm Chính trị viên và Bí thư chi bộ Đội 6, chỉ huy con tàu do Xưởng đóng tàu III Hải phòng (Bộ Giao thông vận tải) sản xuất. Đây là chiếc tàu sắt thứ 2 của Đoàn 759 vận chuyển vũ khí vào miền Nam bằng đường biển.

Chuyến đi đầu tiên, cả đội tiếp nhận con tàu trọng tải 100 tấn, chở 50 tấn vũ khí neo đậu tại Hòn Kẽm, vịnh Bãi Cháy. Trước khi chia tay, trong tâm trí của Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích vẫn còn in đậm lời căn dặn của Trung tướng Trần Văn Trà: “Bám bờ là thế trận, bám bờ là chiến thắng”. Để bảo đảm tuyệt mật, con tàu đã được ngụy trang như tàu ngư dân đánh bắt xa bờ, có cá khô, ngư lưới cụ và rất nhiều biển số khác nhau để thay đổi liên tục trong suốt hành trình. Mặc dù có trọng tải lớn nhưng phương tiện hàng hải được trang bị khá thô sơ, ngoài hải đồ, chỉ có 1 ống nhòm, 1 la bàn, thước song song bằng gỗ, máy vô tuyến điện sóng ngắn 108, liên lạc với trung tâm bằng tín hiệu moóc và 1 đèn pin nhỏ để bắt tín hiệu với đất liền.

Ông Ích tâm sự: “Đó là lần đầu tiên tôi tham gia chỉ huy tàu hành tiến phương Nam. Đường đi còn rất lạ lẫm, sóng to gió cả song lo nhất vẫn là phải luôn căng thẳng đấu trí với quân thù”. Gần chục ngày lênh đênh trên biển, con tàu vào bến Bến Tre như đã định. Song hai đêm liền không bắt được tín hiệu với bến, trên bờ pháo địch bắn liên tục, gần bờ 4 tàu địch thay nhau tuần tiễu. Thuyền trưởng Ích quyết định cho tàu tạm lánh ra hải phận quốc tế, đêm đến xuôi về hướng nam. Hôm sau tiếp cận một thuyền đánh cá của dân, biết đây là vùng có quân giải phóng, ông hạ lệnh cho tàu cập bờ, ngụy trang tàu. Ông cùng một đồng chí nữa lội vào bờ, may mắn gặp ngay chỉ huy bến Bông Văn Dĩa. Lúc này ông mới biết đã vào bến Bạc Liêu. Lực lượng của bến chờ sẵn nhanh chóng dùng xuồng ba lá bốc hàng suốt 2 ngày 1 đêm. Trả hàng xong, con tàu khẩn trương trở lại miền Bắc. Đến ngày 4-5-1963, con tàu cùng đoàn thủy thủ đã trở về đúng nơi xuất phát. Chuyến đi thành công hơn cả mong đợi. Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích cùng tập thể tàu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Trong vòng 4 năm, từ 1963 đến 1967, Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích đã chỉ huy 9 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện miền Nam. Năm 1982, ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá, là cán bộ Phòng tác chiến Quân khu 5. Tuy đã về nghỉ, nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Trong ký ức người CCB đã ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn nguyên vẹn những kỷ niệm về một thời trai trẻ gắn bó cùng những con tàu không số trên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Bài và ảnh: Trà Giang