Cùng năm này, phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Bộ bùng nổ thành cao trào đồng khởi; lan rộng ra tới khu V, Tây Nguyên và xuống các tỉnh đồng bằng. Nhiều nơi quân dân ta đã phá vỡ từng mảng lớn chính quyền tại thôn, xã của địch, tạo ra vùng giải phóng liền xã, liền huyện.

Trước tình hình đó, Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ, tổ chức một số thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa để thăm dò sự bố phòng của địch, vừa kiểm tra, khảo sát luồng lạch, bến bãi, chuẩn bị kế hoạch lâu dài, vận chuyển vũ khí đưa từ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bến Tre là tỉnh khởi nguồn của phong trào đồng khởi, giờ đây lại là địa phương đi đầu, tổ chức chuyến vượt biển bằng thuyền ra miền Bắc. Đồng chí Nguyễn Thị Định, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, đã trực tiếp chỉ đạo thành lập đội quân dùng thuyền vượt biển ra Bắc. Ít ai biết rằng, ngày từ năm 1946, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã được tổ chức cử ra xin Trung ương chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Vào mùa đông cùng năm, tại Phú Yên, đồng chí Nguyễn Thị Định được Đảng, Bác Hồ giao nhiệm vụ, vận chuyển vũ khí vào Nam bằng những chiếc thuyền buồm, giữa mùa biển động. Đó là chiến công đầu đời của vị nữ tướng duy nhất sau này của quân đội ta.

Rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác này, đồng chí Nguyễn Thị Định có dụng công chọn người, đào tạo và bồi dưỡng để họ đảm đương được nhiệm vụ. Đó là trường hợp của Đặng Bá Tiên, còn có tên gọi là Sáu Giáo, một đảng viên, người công giáo yêu nước, sau thời gian “điều lắng” ở cơ sở, được đồng chí gọi về giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng, cùng với 5 đồng đội khác, trên con thuyền gỗ vượt biển ra Bắc. Các khâu chuẩn bị giữa lòng địch, phải giữ bí mật cho đến ngày xuất phát là một kỳ công. Sáu Giáo cùng anh em trở thành quân của “Đội tăng gia tự túc”. Bề ngoài, mọi người làm nhiệm vụ trồng rau xanh, khoai mì và ra biển đánh cá trên một ngư trường rộng lớn từ miền Trung vào tới vùng biển Cà Mau. Qua đó, các chiến sĩ rèn luyện, vững vàng trước sóng gió đại dương, quan sát luồng lạch và theo dõi quy luật hoạt động của địch trên biển cũng như trong đất liền.

Một nhiệm vụ nặng nề khác là Sáu Giáo đóng vai ngư dân di cư từ miền Bắc vào, tìm mua lưới, mua thuyền đánh cá bằng gỗ, phù hợp với hình dáng các con thuyền miền Trung mà ngư dân ở đây sử dụng; bảo đảm độ bền, chống chọi với gió bão… Cuối cùng, anh đã mua được chiếc thuyền gỗ ưng ý, vừa chạy bằng cánh buồm vừa chạy bằng máy nổ, ở Phước Hải, thuộc Bà Rịa.

Ngày lên đường sắp đến gần. Sáu Giáo được đồng chí Nguyễn Thị Định và một số cán bộ lãnh đạo khu tới giao nhiệm vụ cặn kẽ, tỷ mỉ. Tất cả những tài liệu quan trọng đó, để bảo đảm bí mật, anh phải “ghi chép” trong đầu để ra báo cáo tường tận với Trung ương. Đúng vào tối thứ bảy, ngày 1-6-1961, tại bến Cồn Lợi, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, Đoàn thủy thủ lên đường, gồm 6 người: Đặng Bá Tiên (Sáu Giáo) - thuyền trưởng; Nguyễn Văn Tiến (Năm Kiệm) – Bí thư chi bộ; Huỳnh Văn Mai (Tư Đen); Nguyễn Văn Bê (Hai Bê), Nguyễn Văn Nhung (Hai Hùng) và Nguyễn Văn Đức (Ba Đức).

Sau khi xuất phát được 3 giờ thì thuyền bị một trận mưa dông dữ dội; sóng đánh trùm lên thuyền làm gạo, thực phẩm bị ướt hết, phải nhịn đói 2 ngày, sau mới khắc phục được. Và cũng từ đây, gặp vô vàn khó khăn. Ba người, trong đó có Bí thư chi bộ và thuyền trưởng say sóng, không gượng dậy nổi; còn ba thủy thủ thay nhau khắc phục, lái thuyền đi theo hướng đã định, trong khi không có la bàn, không có hải đồ; ban ngày, các anh dựa vào mặt trời và những dãy núi xa mờ, ban đêm, dựa vào sao bắc đẩu. Sau tám ngày lênh đênh trên biển, mặc dù sức lực đã mòn mỏi, chuyến thuyền đầu tiên đã tới được vùng biển, tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp theo thuyền Bến Tre 1 là thuyền Cà Mau, Bến Tre 2, Trà Vinh và thuyền Bà Rịa vượt biển ra Bắc, trong thời gian từ tháng 6-1961 đến tháng 2-1962. Những người vượt biển đầu tiên ra miền Bắc là những chiến sĩ cảm tử. Thuyền của họ ra khơi phải cải trang thành thuyền ngư dân đánh bắt cá. Phương tiện đi biển hầu như không có gì. Mọi người lênh đênh trên biển, có lúc gặp sóng to, bão lớn tới cấp 9, cấp 10 và sự săn lùng ráo riết của tàu chiến Mỹ cũng như quân đội Sài Gòn suốt ngày đêm; mạng sống tính bằng giờ, bằng phút. Thế nhưng chính lòng yêu nước và chí căm thù giặc, trái tim tràn đầy nhiệt huyết cách mạng đã giúp các chiến sĩ chiến thắng tất cả.

Thuyền trưởng Bến Tre 1 Đặng Bá Tiên, đảng viên, sinh ra trong một gia đình công giáo toàn tòng nhưng bố, mẹ, chú, cậu, anh ruột đều là đảng viên. Đồng chí tham gia cách mạng ngay từ khi còn tuổi thiếu niên và sau ngày đình chiến năm 1954, do yêu cầu của nhiệm vụ phải từ biệt bố, mẹ già và người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng, vào Nam hoạt động.

Thủy thủ Huỳnh Phước Hải và Huỳnh Văn Tiến thuyền Bến Tre 2 cũng tham gia cách mạng rất sớm. Bố Hải là đảng viên, cán bộ xã, bị địch bắt tù đày trong ba năm. Anh rể cả là liệt sĩ chống Mỹ. Trước phong trào đồng khởi ở Bến Tre, Huỳnh Văn Tiến đã phải chứng kiến tội ác tày trời của giặc. Chúng chặt đầu 21 thanh niên yêu nước, tuổi mới 18 đôi mươi ở xã An Thạnh (Bến Tre). Anh cùng Văn Công Cưởng (thuyền Bến Tre 2) tham gia quân Giải phóng, cùng đồng đội chống càn, tiêu diệt hàng mấy tiểu đoàn Mỹ - ngụy. Lê Hà (thuyền Bà Rịa) con liệt sĩ, bố hy sinh năm 1970. Mẹ anh là má Mười Riều, người nữ đảng viên, chiến sĩ cách mạng trung kiên, đóng góp 10 cây vàng cho đơn vị mua thuyền và nhổ cả hàm răng để cải trang, hoạt động nội tuyến. Má đã cống hiến công sức, tiền của và cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng; đồng thời động viên Lê Hà dũng cảm vượt qua khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ.

Trong số 34 cán bộ chiến sĩ trên 5 con thuyền vượt biển ra Bắc, có lẽ, đồng chí Nguyễn Văn Đức (thuyền Bến Tre 1) là người bị đau đớn và uất nghẹn căm thù địch hơn bao giờ hết. Đang làm nhiệm vụ hệ trọng, chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam thì đồng chí nhận được tin 7 người thân là mẹ, chị gái (đang có mang) em trai, em gái và hai cháu ruột bị chết vì bom napan của Mỹ. Lòng căm thù giặc ngùn ngụt bốc cao, thôi thúc Nguyễn Văn Đức lao vào khó khăn nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ.

Trên 5 chiếc thuyền vượt biển ra Bắc, các thủy thủ, ai nấy đều tha thiết mong được gặp T.Ư Đảng và Bác Hồ; được thành lập Đoàn thuyền không số chở vũ khí vào Nam. Trên đường đi, mức độ cam go, gian khổ có khác nhau. Tàu Trà Vinh do đồng chí Nguyễn Văn Trang làm thuyền trưởng; đồng chí Hồ Đức Thắng làm chính trị viên. Thuyền vượt biển không có máy nổ, chỉ có buồm làm bằng lá buông. Ra khơi xa gặp cơn bão gió cấp 9, cấp 10, thuyền bị hất tung lên, dập xuống; trôi dạt tới Ma Cao, thuộc Bồ Đào Nha. Sau dân sở tại chỉ thuyền về phía biển Trung Quốc. Qua đường ngoại giao, thuyền Trà Vinh đã được đưa về miền Bắc nước ta.

Thuyền Bà Rịa - Vũng Tàu do 6 chiến sĩ miền Đông Nam Bộ đóng giả ngư dân vượt biển ra Bắc gồm: Nguyễn Sơn - chỉ huy; Lê Hà - Chính trị viên; Thôi Văn Nam; Trần Văn Phủ; Võ An Ninh, Nguyễn Văn Thanh. Từ Phước Hải, các anh lên đường bằng chiếc thuyền nhỏ có máy 8 sức ngựa. Ai nấy rất phấn khởi được tổ chức giao nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Đi chưa được bao xa thì cơn bão cấp 9, cấp 10 ập tới. Sóng bạc đầu như những con quái vật hung dữ chồm lên, muốn nuốt chửng chiếc thuyền vào lòng biển. Mọi người say sóng nôn mửa tưởng như sẽ phải chết vì gió bão. Sau nhiều giờ vật lộn, thuyền bị chết máy, phải dạt vào bờ biển Cam Ranh, Khánh Hòa, nơi có địch kiểm soát. Chúng bắt anh em giam vào nhà lao Khánh Hòa, khảo tra đánh đập bằng dùi cui. Trước sau, mọi người thống nhất lời khai: Là ngư dân, làm thuê đánh bắt cá cho chủ thuyền; tất cả đều có thẻ căn cước.

Không khai thác được tin gì ở “mấy ngư dân đánh cá”, sau gần một tháng rưỡi giam cầm, đầy ải, địch đành phải thả các anh ra. Mọi người khẩn trương ra bờ biển tìm thuyền và sửa chữa máy nổ. Lúc này xuất hiện hai luồng tư tưởng: Trở về bến cũ, chuẩn bị lại mọi thứ rồi sẽ lên đường; khắc phục khó khăn, tiếp tục vượt biển ra Bắc. Đa số nhất trí theo phương án hai của chính trị viên Lê Hà. Bởi lẽ thuyền đã đi được nửa đường. Không có dầu, các anh bán bớt lưới lấy tiền mua dầu và xin tiền bà con ở địa phương để mua lương thực, thực phẩm. Cuộc hành trình vượt biển tiếp tục; ai nấy mang theo quyết tâm, đến bằng được miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Thuyền đi chưa được bao lâu thì một số cố bất ngờ lại xảy ra. Thùng đựng nước ngọt do sóng lắc, va chạm mạnh nên đã bị vỡ; nước chảy hết. Vài ngày đầu, mọi người gắng chịu, nuốt nước bọt cho đỡ khô họng. Sang ngày thứ ba, không chịu nổi cơn khát cháy cổ, anh em thử uống nước biển nhưng mặn chát; càng uống càng khát. Đến ngày thứ tư, người thì bị môi phòng rộp, người nói giọng khản đặc, thậm chí lả đi.

Trước tình cảnh này, Nguyễn Sơn nghĩ không thể để anh em chết vì khát; phải uống nước tiểu của mình. Anh làm trước và động viên mọi người làm theo. Nhưng đến ngày thứ năm, thứ sáu, nước tiểu trong anh em cũng cạn kiệt. Ai nấy mắt hoa lên, tai ù đặc, giọng thều thào, thậm chí phải dùng tay ra hiệu. Lê Hà, Nguyễn Sơn nhìn đồng đội gần như tuyệt vọng giữa biển khơi mênh mông, đau nhói trong lòng… Cái khó ló cái khôn, chợt trong đầu Nguyễn Sơn loé lên cách giải cứu khỏi cơn khát. Anh chồm dậy lấy chiếc nồi đựng nước biển đun lên. Quả nhiên, nước ngọt đọng lại thành những giọt li ti trên nóc vung. Nguyễn Sơn lần lượt gọi anh em đến “liếm” nước. Từ đó cơn khát đỡ hẳn. Hơn nữa, thuyền gặp chiếc ghe của ngư dân đang đánh bắt cá ở vùng biển Đà Nẵng, liền xin bà con cho ăn uống một bữa. Vì vậy, sức khoẻ mọi người dần được hồi phục; tiếp tục hành trình ra phía Bắc.

Một ngày sau đó, dầu chạy máy đã cạn kiệt. Nguyễn Sơn phải huy động anh em mang những tấm vải đắp ra khâu lại thành cánh buồm nhỏ, trương lên theo chiều gió. Do nắm phương hướng chưa chính xác nên thuyền đã lạc sang vịnh Duy Linh, phía tây đảo Hải Nam, Trung Quốc; rồi lính tuần tiễu của bạn đưa về cảng Hải Khúy. Mấy ngày sau, qua con đường ngoại giao, 6 chiến sĩ miền Đông Nam Bộ được về tới Hà Nội.

Từ trong khói lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, 34 cán bộ, chiến sĩ trên 5 chiếc thuyền gỗ vượt biển ra Bắc thành công, tưởng như không có gì hạnh phúc hơn trong những ngày sống giữa thủ đô Hà Nội; được gặp Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng… Các đồng chí được hưởng sự ưu đãi đặc biệt. Đồng chí Lê Duẩn gọi anh em là những “cảm tử quân” và đáp ứng mọi nguyện vọng đề ra: Đi thăm Điện Biên Phủ cùng một số nhà máy; đi tàu hỏa sang Trung Quốc và đi máy bay trực thăng thăm thành phố cảng Hải Phòng.

Cảm động nhất, ghi nhớ sâu sắc nhất là trong một buổi tối, các đồng chí được gặp Bác Hồ, quây quần tại nhà sàn của Người. Bác ân cần hỏi thăm cuộc sống, chiến đấu của đồng bào miền Nam nói chung và của Bến Tre nói riêng. Đồng chí Đặng Bá Tiên, thay mặt anh em, xin báo cáo với Bác về cuộc đấu tranh cực kỳ gian khổ, ác liệt và những tấm gương dũng cảm, hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng của đồng bào miền Nam; đồng thời thưa với Bác ý nguyện của đồng bào là sớm đánh thắng Mỹ - ngụy để rước Người vào thăm. Bác cảm động, rưng rưng nước mắt. Khi biết trong đoàn, một số đồng chí chưa là đảng viên, Bác nói: “Cảm tử quân mà không hy sinh người nào; như thế thì giỏi quá! Tất cả các chú đều xứng đáng là đảng viên”.

Đó không chỉ là lời khen mà là chỉ thị của Bác kính yêu. Mấy ngày sau, Ban thống nhất T.Ư đã làm thủ tục kết nạp Đảng cho 4 đồng chí.

Sự vượt biển thành công của 34 cán bộ, chiến sĩ trên 5 chiếc thuyền gỗ ra miền Bắc, đã giúp T.Ư có thêm quyết tâm, quyết định thành lập Đoàn tàu không số chở hàng vạn tấn vũ khí, thuốc men, chi viện cho chiến trường miền Nam, trong suốt 14 năm trời. Và chính 34 cán bộ, chiến sĩ trên là những thành viên có mặt đầu tiên trên các con tàu không số: Phương Đông 1, 2, 3, 4, xuất phát từ cảng K15 Đồ Sơn, Hải Phòng.

Ghi chép của CHI PHAN