Chứng tích Bến phà Địa Lợi

**Quá khứ hào hùng. **

Khi Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta ( 1965 - 1973 ) huyện Hương Khê trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của không lực Hoa Kỳ; vì đây là cửa ngõ của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, là " yêt hầu " của mạch máu giao thông vào chiến trường miền Nam. Vị trí địa lý của Huyện có chung đường biên giới với nước bạn Lào, sông núi hiểm trở, nhiều cầu phà và các công trình quan trọng về an ninh quốc phòng, đặc biệt có Sở chi huy tiền phương của Đoàn 559 đóng trên địa bàn…
Nhận rõ vị trí chiến lược quan trọng của mạch máu giao thông ở huyện Hương Khê, đầu năm 1966 Bộ trưởng Bộ GIVT Phan Trọng Tuệ đã vào thăm và giao nhiệm vụ cho lãnh đạo huyện: “ trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn “. Để thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng, Đại đội chủ lực giao thông huyện Hương Khê được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm só 1 là bảo đảm giao thông tuyến đường 15A từ cầu 21 ( Truông Bát ) qua Thị trấn Hương Khê vào huyện Tuyên Hóa ( Quảng Bình ) có chiều dài trên 40 km. Khi mới thành lập Đại đội có 40 đồng chí, về sau được bổ sung thêm 220 người chia làm 3 Trung đội và một đội cầu. Giữa năm 1966, bến phà Địa Lợi bị địch đánh phá ác liệt, theo sáng kiến của đồng chí Trần Quang Đạt ( lúc đó là Phó Chủ tịch UB hành chính kiêm Trưởng ban giao thông tỉnh ) mở thêm bến phà B và tuyến đường 15B dài hơn 15 km chạy từ xã Hà Linh qua xã Phúc Đồng. Sau đó tiếp tục mở thêm 3 ngầm qua sông Ngàn Sâu là ngầm Trung Lĩnh I, Trung Lĩnh II và Trung Lĩnh III. Tất cả các tuyến đường và ngầm mới này đều do Đại đội chủ lực giao thông của huyện làm nòng cốt, khi cần thiết huy động thêm lực lượng dân quân các xã hỗ trợ.
Từ cuối năm 1965, trên địa bàn huyện Hương Khê máy bay Mỹ đánh phá hêt sức ác liệt, nhất là các trọng điểm như Phà Địa Lợi, cầu Chợ Vạn, ngầm Lộc Yên, cầu Khe Ác, cầu La Khê. Với thủ đoạn ban ngày ném bom nhằm phá hủy đường sá, cầu cồng; ban đêm thả pháo sáng để phát hiện các đoàn xe của ta ra chiến trường, ròi dùng bom sát thương, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường, mìn vướng. Cán bộ chiến sỹ Đại đội chủ lực càng nêu cao quyết tâm bám trụ kiên cường trên những tuyến đường, cây cầu, bến phà để đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, an toàn, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân với khẩu hiệu: “ Địch phá, ta sửa ta đi “.
Tại bến phà Địa Lợi, nơi được mệnh danh “ yết hầu của yết hầu “ đại đội chủ lực phối hợp với dơn vị công binh đoàn 559 kéo 2 chiếc phà ghép lại thành cầu phao. Do ban ngày địch đánh phá ác liệt, anh em đã kéo phà di ẩn nấp cách bến hơn 600m, chiều tối lại kéo về ghép lại để xe qua. Hàng đêm, có từ 400 – 500 xe đi vào chiến trường và cũng bằng ấy lượng xe ra Bắc qua phà Địa Lợi, cảnh tượng bom rơi, pháo sáng, xe vẫn qua không chỉ 1 đêm, 1 ngày, 1 đợt mà diễn ra thường xuyên liên tục trong nhiều năm.
Tại La Khê ( Hương Trạch ), chiếc cầu bắc qua sông Ngàn Sâu bị địch đánh phá ác liệt, với địa hình rât hiểm trở, hai bên núi cao dựng đứng, giữa là dường sắt, đường bộ liền nhau, phía dưới là dòng nước chảy xiết. Khi địch đánh sập cầu La Khê, các bến ngầm Trung Lĩnh được mở, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng TMT QĐNDVN vào thăm và truyền chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho huyện ủy và phòng giao thông huyện: “ Đại tướng điện về chiến trường đang thiếu vũ khí, lương thực, thuốc men, yêu cầu phải tăng khả năng vận chuyển qua đường 15A, không được để xe tắc tại cầu La Khê “. Đại đội chủ lực đã huy động tối đa lực lượng vào rừng chặt gỗ lát đường xuống ngầm cho xe vượt lên, nhiều đồng chí dầm mình đứng làm cọc tiêu cho xe qua giữa dòng nước xiết. Toàn đại đội có 17 đồng chí đã anh dũng hy sinh, hàng trăm đồng chí bị thương trên cung đường huyền thoại, đó là những tấm gương tiêu biểu và là niềm tự hào về quá khứ hào hùng cách đây nửa thế kỷ của Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê.

**Hiện tại và trăn trở. **

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã kết thúc cách đây 41năm, đất nước đi trên con đường thống nhất Bắc Nam. Những cán bộ, chiến sỹ Đại đội chủ lực giao thông huyện Hương Khê trở về cuộc sống đời thường với một niềm tự hào mãnh liệt, từ hào vì đã có những năm tháng cống hiến xương máu cho Tổ quốc bằng hành động quên mình dưới mưa bom, bão đạn, tất cả vì chiến trường miền Nam, vì mạch máu giao thông, có lệnh là lên đường, có lệnh là ra mặt đường chiến đấu, đến các trọng điểm địch đánh phá ác liệt để san đường, lấp hố bom, dò mìn...sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cốt để giao thông thông suốt. Hơn 100 cán bộ chiến sỹ trở về, nhiều người không còn lành lặn, nhiều người vì bệnh tật,vì vết thương tái phát đã vĩnh viễn ra đi, nhiều người sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhưng tất cả đều là những công dân gương mẫu, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. 40 năm sau, những người còn sống của đại đội chủ lực giao thông huyện Hương Khê ngày đó chỉ có một mong muốn duy nhất là làm sao được Đảng và Nhà nước xét tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho tập thể Đại đội và 2 cá nhân của đơn vị, đề nghị Chính phủ tặng Bằng khen cho 32 cán bộ chiến sỹ; đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 43 đồng chí và Sở LĐTB-XH xem xét giải quyêt các chế độ cho cán bộ chiến sỹ Đại đội chủ lực giao thông huyện Hương Khê.
Sự day dứt và trăn trở đó hy vọng sẽ được các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc sau gần nữa thế kỷ mỏi mòn trông đợi của các chiến sỹ thuộc Đại đội chủ lực giao thông huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Lê Anh Thi