Đại tá, Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 44 Quảng Đà cho biết: trên chiến trường Quảng Đà, Thường vụ Khu uỷ 5 quyết định chọn thành phố Đà Nẵng làm điểm trọng tâm của Cuộc Tổng tiến công và nỗi dây Mậu Thân 68. Theo đó, Đặc khu ủy Quảng Đà đã huy động hàng ngàn nam nữ thanh niên, du kích, nhân dân và các lực lượng tham gia vận chuyển vũ khí, khí tài, phương tiện, các cơ sở bí mật như các căn cứ Lõm Bắc Mỹ An (K20) và B1 Hồng Đức, Hòa Khánh… trong nội độ thành phố vận động nhân dân đóng góp tiền vàng, lương thực thực phẩm, thuốc men phục vụ chiến dịch. Các lực lượng pháo ĐKP phóng loạt của Bộ phối hợp chiến trường; pháo mặt đất, bộ binh, đặc công, công bình, thông tin, (Quân khu 5), và quân, dân Quảng Đà đồng khởi tham gia chiến dịch.
Lợi dụng pháo Tết đón giao thừa của nhân dân, đúng 2 giờ 30 phút ngày 31/01/1968 (01 Tết), Chiến dịch Mậu Thân tại thành phố Đà Nẵng phát lệnh mở màn. Pháo kích của ta đồng loạt bắn cấp tập vào các mục tiêu của quân địch như: sân bay Đà Nẵng, kho xăng Liên Chiểu, trận địa pháo Thành Vinh, căn cứ Hải quân Sơn Trà trong thành phố. Tiểu đoàn Đặc công 89 (Quân khu 5) phối hợp với Tiều đoàn R20, biệt động Thành, bộ đội, du kích địa phương tiến đánh các mục tiêu quan trọng trên đèo Hải Vân, đánh chiếm 1 trong 3 cao điểm trên núi Phước Tường, đánh nát khu ra đa, tiêu diệt 2 đại đội địch, phá hủy 6 giàn tên lửa trên các điểm cao, và 11 máy bay Trực thăng tại sân bay Xuân Thiều, làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc và hỏa lực kháng cự của quân địch ở phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng. Các mục tiêu phía Đông Đà Nẵng như tổng kho An Đồn, ngã ba Non Nước, ngã 5 Sơn Trà, sân bay Nước Mặn, lực lượng biệt động Thành và du kích khu Đông Hòa Vang bí mật ém quân, nổ súng đánh hiểm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mau lẹ rút quân an toàn.
Cùng thời gian này, một trung đội của Tiểu đoàn 1 (R20) và trung đội Khu 3 Hòa Vang từ Trung Lương – Cồn Dầu vượt sông Hòa Đa (nay Cẩm Lệ) phối hợp với lực lượng biệt động Thành đánh chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy. Qua sông, bộ đội ta bí mật hình thành 2 mũi tiên công men theo bờ sông Hàn đến phía Tây cầu đường sắt Trần Thị Lý, và mũi tiến quân qua đồng ruộng, khu dân cư Hòa Cường chọc thằng vào mục tiêu. Khi 2 mũi hợp thành tại một địa điểm phía Đông Nam góc bờ tường của Sở chỉ huy Quân đoan 1 ngụy, không bị địch phát hiện. Tiếp cận mục tiêu, vì bờ tường cao có gắn mảnh chai sắc nhọn, dây thép gai bùng nhùng có gắn lựu đạn, mìn vướng nổ trên đó, nên bộ đội ta phải dùng cách dựa lưng vào bờ tường cho đồng đội vượt qua. Khi tiếp cận được bên trong, bộ đội ta nhanh chóng lợi dụng địa hình, địa vật, quan sát mục tiêu, bắn 2 quả đạn B40, B41 tiêu diệt một lô cốt có tốp lính gác và một xe Zép địch có gắn súng đại liên trên đó. Lợi dụng tiếng nổ của pháo binh ta bắn đến, bộ đội ta số đang ở ngoài dùng bộc phá nổ tung mảng tường để tiến vào hợp lực với lực lượng bên trong đánh chiếm các mục tiêu, tiêu diệt quân địch.
Sau gần 2 giờ ta và địch giao tranh quyết liệt, quân địch điều 2 tiểu đoàn 21, 59 biệt động quân và tiểu đoàn 3 bộ binh (thuộc trung đoàn 57) phối hợp với xe tăng – thiết giáp đánh phản kích chiếm lại Sở chỉ huy Quân đoàn 1. Cùng thời gian này, các lực lượng khởi nghĩa từ khu 3 Hòa Vang, vùng A và B Điện Bàn tiến vào Đà Nẵng theo kế hoạch đã định. Các mũi tiến quân của Sư đoàn 2 (Quân khu 5), tiểu đoàn R20 (Quảng Đà) bị máy bay địch phát hiện chặn đánh gây khó khăn, không vào tiếp ứng kịp cho lực lượng của ta đang đánh chiếm trong Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy. Trận đánh diễn ra ác liệt, quyết tử, không cân sức. Bộ đội ta nhiều đồng chí bị thương vong, số còn lại bám trụ chiến đấu chờ lực lượng tiếp ứng, tiếp tục nổ súng tiêu diệt quân địch đến viên đạn cuối cùng với tinh thần, “ Thiệu – Kỳ không đổ, không giổ, không Tết”….
Chiến dịch Xuân Mậu Thân 68 trên chiến trường Quang Đà (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 5.351 tên địch, bắn cháy 43 xe bọc thép, phá huy 191 máy bay và các loại phương tiện chiến tranh khác. Chiến dịch đã huy động sức mạnh tổng hợp của quân và dân Quảng Đà, tạo thế trận bí mật, bất ngờ, vận dụng hình thức chiến thuật: ngoài tấn công vào - trong nổi dậy đánh ra “Nở hoa trong lòng đich” lập chiến tích “táo bạo, đánh hiểm” vào tận sào huyệt Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 và các mục tiêu quan trọng của địch trong nội đô và vùng ven thành phố, góp phần làm nên thắng lợi và ý nghĩa tác chiến trong Chiến dịch Tết Mậu thân 68 trên toàn chiến trường miền Nam…
Bài và ảnh: Nhân Mùi