Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Vào dinh Độc Lập
Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, trực tiếp chỉ huy lực lượng đột kích thọc sâu đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975 đã để lại những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời quân ngũ của tướng Hoàng Đan.
Theo phân công ban đầu, Phó Tư lệnh Hoàng Đan cùng Chính ủy quân đoàn Lê Linh có nhiệm vụ trực tại Sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn. Nhưng thấy lúc này Sở chỉ huy cơ bản không có nhiệm vụ gì quan trọng, trong khi các đơn vị phía trước đang tranh thủ từng giây để tiến nhanh vào nội đô Sài Gòn, nên sáng ngày 30-4-1975, đồng chí Hoàng Đan đề nghị Tư lệnh quân đoàn Nguyễn Hữu An cho được đi cùng đơn vị tuyến trước và được Tư lệnh cử lên giúp Ban Chỉ huy lực lượng đột kích thọc sâu tiến nhanh qua sông Sài Gòn; nếu chậm, địch phá các cầu Xa lộ, Rạch Chiếc, thì xe tăng và bộ binh cơ giới ta gặp khó khăn.
Lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn có Lữ đoàn tăng 203 và Trung đoàn 66 Sư đoàn 304. Ban đầu, đồng chí Hoàng Đan ngồi cùng xe thiết giáp với Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Tùng; nhưng thấy lên xuống xe khó khăn, ông xuống ngồi xe con đi sau xe của Chỉ huy Lữ đoàn 203.
Trên đường tiến vào nội đô, đến cầu Xa lộ qua sông Sài Gòn, Lữ đoàn 203 gặp địch bên kia sông và hai tàu chiến dưới sông bắn trả. Chúng bắn cháy 1 xe tăng ta, trong đó có đồng chí Tiểu đoàn trưởng xe tăng. Đại đội xe tăng đi đầu phải dàn hàng ngang bắn vào quân địch chống cự, yểm hộ cho các đại đội sau vượt lên. Đại đội 4, do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy dẫn đầu đội hình tiếp tục tiến.
Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, cơ bản không còn địch chống cự; nhân dân ra đầy hai bên đường để hoan hô cỗ vũ Quân giải phóng… Với kinh nghiệm đã vào nhiều thành phố, thị xã; lại được người dân nhiệt tình dẫn đường đi bằng mô tô phía trước, lực lượng đột kích thọc sâu tiến thẳng đến dinh Độc Lập.
Theo Tướng Hoàng Đan, sau khi cho xe tăng và bộ binh bao vây ngôi nhà chính của dinh Độc Lập và án ngữ các hướng vào dinh, đồng chí Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng một số cán bộ, chiến sĩ lên tầng hai, vào căn phòng rộng nhất, nơi toàn bộ thành viên của cái gọi là Nội các Dương Văn Minh đang họp. Thấy chúng định làm ra vẻ một Chính phủ đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao, đồng chí Thệ nói (đại ý): “Các anh đã bị bắt. Mọi người ngồi yên tại chỗ và làm theo lệnh của chúng tôi”. Sau đó đồng chí Thệ và đồng chí Bùi Tùng đưa Tổng thống chính quyền Sài Gòn - Dương Văn Minh ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đồng chí Bùi Tùng thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng, kêu gọi các lực lượng còn lại hạ khí giới.
Đã dự kiến tình huống Quân đoàn 2 có khả năng vào dinh Độc Lập trước, nên trước lúc xuất quân, đồng chí Hoàng Đan nói đùa với đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải (cánh Đông): “Kỳ này chúng tôi sẽ vào quét dinh Độc Lập cho sạch và ngủ một giấc ở đây cho bõ những ngày mệt nhọc…”. Thời khắc vào dinh Độc Lập được ông kể:
“Khi tôi vào dinh Độc Lập, Dương Văn Minh đã đi ra Đài phát thanh. Chuẩn tướng Hạnh trông thấy tôi, đoán là người chỉ huy, nên đến báo cáo tình hình trong dinh trước lúc Quân giải phóng đến, giới thiệu những nhân vật chính có mặt. Tôi nói với chuẩn tướng Hạnh, ở đây còn liên lạc được với đơn vị nào, anh cho họ biết các anh đã đầu hàng vô điều kiện và lệnh cho đơn vị đó nhanh chóng đầu hàng. Chuẩn tướng Hạnh kể ra cũng được việc, đã liên lạc và truyền lệnh được cho nhiều đơn vị.
Vũ Văn Mẫu - Thủ tướng xin phép được gặp đại diện Mặt trận với ý định bàn giao để về nhà sớm. Tôi nói với Mẫu: Chúng tôi là quân nhân, vì vậy các anh cứ ở đây, ngay trong gian phòng này. Ngày mai sẽ có đại diện Mặt trận đến. Các anh cứ ngồi chơi thoải mái, hôm nay ăn thử một bữa cơm Việt cộng cho vui. Trông bộ chúng cũng yên tâm, nói cười vui vẻ với nhau…” (Hoàng Đan: “Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh”, Nxb QĐND. H. 2008).
Có hai sự kiện xảy ra tại dinh Độc Lập vào chiều ngày 30-4, theo Tướng Hoàng Đan, nếu các ông không xử trí kịp thời thì hậu quả thật khó lường.
Thứ nhất, vào khoảng 13 giờ, Bộ Tư lệnh quân đoàn đang chuẩn bị bản Thông cáo số 1 của Quân giải phóng, thông báo cho nhân dân Sài Gòn biết chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thì bất ngờ hai loạt súng cối 82 bắn vào trước cửa ngôi nhà chính; rồi lập tức súng nổ ran xung quanh. Sau này tìm hiểu mới biết một đơn vị của ta từ phía Tân Sơn Nhất, sau khi chiếm xong khu vực được phân công đã tìm cách tiến nhanh đến dinh Độc Lập và hành động một cách máy móc là trước khi tiến vào mục tiêu, phải bắn chế áp trước. Khi nghe tiếng súng, nhưng chưa xác định được súng từ đâu bắn, các đồng chí trên xe tăng Lữ đoàn 203 cũng máy móc dùng súng đại liên bắn ra xung quanh; tất nhiên là bắn chỉ thiên. Khẳng định không thể là kẻ địch, Chỉ huy quân đoàn phải cho người gọi từng xe để ra lệnh ngừng bắn, sau gần một giờ mới dẹp được cuộc “đọ súng” giữa quân ta với quân mình.
Khoảng 14 giờ lại xảy ra một chuyện nữa. Trong khi cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đang ngồi đầy ở bậc thềm phía trước dinh Độc Lập, thì thấy một tốp khoảng 1 tiểu đội từ ngoài tiến vào. Đồng chí đi đầu nhanh chóng đặt gói bộc phá vào chân tường của dinh, định điểm hỏa cho bộc phá nổ. Nhanh như chớp, đồng chí Nguyễn Ân - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 chạy đến xô đồng chí này ra và hỏi: “Ta đã chiếm dinh rồi, sao đồng chí lại còn đánh bộc phá?”. Ngớ người ra một lúc, thấy hành động của mình quá vô lý, đồng chí ấy lắp bắp: “Chúng em được lệnh đi đầu, tiến vào đánh dinh Độc Lập, vì vậy đến nơi là chúng em đánh bộc phá liền”…
Tướng Hoàng Đan cho biết: Sau khi Bộ Tư lệnh quân đoàn thảo xong Thông cáo số 1, vào khoảng 17 giờ, có một số đồng chí đại diện Quân đoàn 4 vào trao đổi rằng, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập, nhưng vì đường hành tiến qua nhiều sông rạch, nên vào chậm, nay đề nghị bàn giao lại. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 vui vẻ bàn giao ngay. “Thật ra chúng tôi cũng muốn bàn giao nhanh để ra ngoài, nắm lại tình hình các đơn vị và trước mắt, nghỉ ngơi một tí. Đã bốn năm ngày đêm không hề chợp mắt. Trên đường xe cộ, người chen chúc nhau. Chúng tôi phải hết sức vật vả và mãi đến 24 giờ mới về đến Thủ Đức - nơi chúng tôi dự định đặt Sở chỉ huy Quân đoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Lê Linh và cơ quan quân đoàn cũng đã di chuyển lên đây từ chiều…” - Tướng Hoàng Đan bộc bộc bạch.
Duy Hưng