KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU CỦA HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM (5-8-1964 - 5-8-2011): Vững vàng trên biển đảo (04/08/2011)
Từ những ngày đầu thành lập, năm 1955 và những năm 60 của thế kỷ trước, tuy lực lượng còn nhỏ bé, nhưng Quân chủng đã mưu trí, sáng tạo, anh dũng chiến đấu đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của đế quốc Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta; đồng thời cùng với quân dân miền Bắc, đánh tan cuộc tập kích bằng không quân và Hải quân của Mỹ, lập nên chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964.
Trước những diễn biến hiện nay của tình hình biển Đông, vấn đề bảo vệ vững chắc quyền chủ quyền biển, đảo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là một điều kiện quyết định, bảo đảm thắng lợi cho công cuộc tiến ra biển và giàu lên từ biển như mục tiêu Chiến lược biển đề ra trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 4, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt bảo vệ quyền chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc, đã và đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao; kiên quyết, kiên trì, khôn khéo giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển nước ta.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 9 đã xác định: “Xây dựng Hải quân NDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại”. Trong xây dựng quân chủng hiện đại, sẽ tập trung trước tiên vào lực lượng quan sát, phát hiện mục tiêu; lực lượng thông tin liên lạc, lượng tàu ngầm; lực lượng tàu mặt nước; lực lượng không quân hải quân; lực lượng tên lửa pháo bờ. Hiện nay, Quân chủng có các Bộ tư lệnh Vùng. Trần quân hàm của các đồng chí Chỉ huy trưởng và Chính uỷ Bộ tư lệnh Vùng là Chuẩn đô đốc.
Những năm gần đây, Quân chủng Hải quân đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội quan tâm, đầu tư mua sắm vũ khí các loại trang bị hiện đại. Về tàu, có: tàu tên lửa, tàu phóng lôi, tàu săn ngầm, tàu quét mìn, tàu đổ bộ, tàu tuần tiễu, tàu vận tải quân sự và tàu ngầm. Về tên lửa bờ có tầm bắn vài ba trăm ki-lô-mét; hải quân đánh bộ, đặc công nước và các đơn vị phòng thủ đảo. Quân chủng còn có các học viện, nhà trường; các nhà máy, xí nghiệp, các công ty làm kinh tế kết hợp với quốc phòng.
Qua đó cho thấy việc hiện đại hóa Hải quân nhân dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, vì nước ta có chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn, với diện tích trên một triệu ki-lô-mét vuông, gấp 3 lần diện tích đất liền; là vùng biển có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, chưa được khai thác nhiều. Hơn nữa, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia có biển, đang hướng ra biển để khai thác và làm giàu. Và vì thế, các nước cần phải quan tâm, đầu tư phát triển các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, nhất là lực lượng hải quân.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, nhất là trên các vùng biển, đảo, nhiệm vụ chính trị của quân chủng đang đặt ra yêu cầu mới nặng nề hơn, phức tạp hơn, khẩn trương hơn; đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị thực sự vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng.
Về công tác kỹ thuật trong tình hình mới, Quân chủng đang phát huy mọi nguồn lực, duy trì, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng tàu, thuyền, vũ khí trang bị kỹ thuật đồng bộ, ổn định cho các nhiệm vụ của quân chủng; huấn luyện phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị chu đáo, tiếp nhận huấn luyện, đưa vào khai thác, sử dụng, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới.
Năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, các lực lượng Quân chủng đã tiến hành 87 vụ cứu nạn trên biển, cứu được 180 người, trong đó có 14 người nước ngoài; cứu kéo được 20 tàu; hỗ trợ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho 25 tàu ngư dân. Quân y hải quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Thổ Chu, đảo Bạch Long Vĩ đã cấp cứu, chữa bệnh cho hơn 50 ngư dân bị ốm nặng.
Hiện nay Quân chủng Hải quân phối hợp hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ việc thăm dò, khai thác dầu khí và những hoạt động kinh tế biển cũng như thực hiện tốt dự án “Dân sự hóa, hành chính hóa một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa”; làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, đưa ngư dân ra sinh sống và khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa.
Hằng năm, Quân chủng Hải quân đều tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa và các nhà dàn DK1. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, những hoạt động về biển đảo của Tổ quốc cũng tăng lên rõ rệt. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư 400 tỷ đồng để xây dựng toàn bộ hệ thống chiếu sáng ở Trường Sa và các nhà dàn DK1. Nhân dân cả nước quyên góp, ủng hộ bộ đội hải quân và Trường Sa 200 tỷ đồng; góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ngoài biển, đảo. Đảo Trường Sa có nhà khách Thủ đô, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, 3 ngôi chùa, tượng đài liệt sĩ, điện bằng năng lượng gió và mặt trời, mạng điện thoại Viettel phủ sóng toàn quần đảo. Các công trình đó đã góp phần quan trọng, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Những năm gần đây, hoạt động đối ngoại quân sự của Quân chủng Hải quân được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và thực sự có hiệu quả: Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam với Hải quân các nước, nhất là các nước trong ASEAN, để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo.
Năm 2010 và mấy tháng đầu năm 2011, Quân chủng đã tổ chức cho 95 đoàn với gần 600 lượt cán bộ, chiến sĩ đi thăm và làm việc tại các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Ca-na-đa, Ấn Độ, Ru-ma-ni, Hàn Quốc… Đồng thời, Quân chủng tổ chức đón hơn 10 đoàn tàu quân sự với 15 lần chiếc, 5.000 lượt người và gần 100 đoàn khách, hơn 700 lượt người từ các nước trong khu vực và trên thế giới đến thăm, làm việc với quân chủng. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp, tổ chức 8 chuyến tuần tra chung với Hải quân các nước Trung Quốc, Thái Lan, Cam-pu-chia…
Trải qua 56 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc; xây đắp nên truyền thống của một Quân chủng Anh hùng: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”…
Hải quân nhân dân Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ quyền chủ quyền biển, đảo của đất nước; góp phần quan trọng và có ý nghĩa lớn lao, thể hiện trong lời phát biểu tại TP Nha Trang ngày 8-6-2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trong dịp tổ chức Festival biển Nha Trang – 2011): “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa… Đây chính là dịp để một lần nữa, chúng ta khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ các vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
CHI PHAN