Kỷ niệm 46 năm Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng Buôn Ma Thuột trong giờ toàn thắng
Quân đội Việt Nam Cộng hòa thất bại thảm hại và phải tháo chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên (ảnh tư liệu)
Sáng 11-3-1975, sau khi ra lệnh cho pháo binh tiếp tục bắn phá các mục tiêu còn lại của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột, cả Sở Chỉ huy Chiến dịch chăm chú theo dõi trên bản đồ bước tiến quân của các đơn vị. Tại Sở Chỉ huy Chiến dịch lúc này có Tư lệnh - Hoàng Minh Thảo, Chính ủy Đặng Vũ Hiệp, Phó Tư lệnh Vũ Lăng, tôi (Nguyễn Quốc Thước) - Tham mưu trưởng, Khuất Duy Tiến - Trưởng ban Tác chiến. Bên Cục Chính trị có anh Nguyễn Đằng, bên Hậu cần có anh Cấn Văn Tại, ngoài ra còn có Chủ nhiệm các ban: Trinh sát, Thông tin, Pháo binh, Xe tăng... Để tất cả mọi người đều nghe rõ được thông tin từ các đơn vị ngoài mặt trận báo về, chúng tôi kết nối với một chiếc đài bán dẫn Orioton và đặt nó ở ngay trên bàn Sở Chỉ huy.
Từ chiều qua 10-3, khi nghe tin các mũi tiến công của quân ta đã áp sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23 nên mọi người đều càng hồi hộp theo dõi. Tầm hơn 9 giờsáng 11-3, Chủ nhiệm trinh sát Nguyễn Văn Thông, thông báo một tin quan trọng là qua theo dõi hiện không thấy điện đài của địch ở sở chỉ huy Sư đoàn 23 làm việc nữa. Tin đó làm mọi người phấn chấn hẳn lên vì chiều qua, Sở Chỉ huy cũng nhận được thông tin từ các mũi tiến công của ta báo về đã chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23, nhưng qua theo dõi thấy điện đài của sở chỉ huy Sư đoàn 23 vẫn làm việc bình thường, Vũ Thế Quang - Tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột vẫn đang điều hành, chỉ huy các cánh quân. Sau đó xác định lại thấy đúng, ta vẫn chưa chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23. Tầm 10 giờ 30 phút, Thượng tá Lê Minh - Tham mưu phó Chiến dịch đang đi cùng mũi thọc sâu của Tiếu đoàn 4 - Trung đoàn 24 đánh vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 báo về: Đã chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23!
Anh Lê Minh - Tham mưu phó Chiến dịch lại đi cùng mũi thọc sâu báo về nên mọi người rất tin. Tin của anh Lê Minh như làm nổ tung cả Sở Chỉ huy. Chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23 cũng đồng nghĩa với chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột. Đã từng chịu đựng bao khó khăn gian khó, đã từng chúng kiến bao mất mát đau thương của bộ đội Tây Nguyên trong suốt nhiều năm qua, được chứng kiến giây phút chiến thắng vẻ vang này, mọi người trong Sở Chỉ huy không ai không khỏi xúc động, oà lên hò reo. Một không khí vui mừng phấn khởi không sao kế xiết tràn ngập Sở Chỉ huy. Là ngươi chỉ huy điềm tĩnh, ít bộc lộ cảm xúc, sau khi khớp cả 2 thông tin: Sở chỉ huy không còn thông tin liên lạc và ta đã chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo lúc này mới chính thức lên tiếng. Ông nói nhỏ nhẹ, khẳng định:
- Như thế là chúng ta đã chiến thắng!
Là người bao năm chứng kiến những gian khó, thăng trầm của bộ đội Tây Nguyên, giờ nghe tin quân ta đã chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23, chiếm được Buôn Ma Thuột, anh Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy rất vui, cười liên tục. Rồi ngẫu hứng anh kêu anh Tài - Trưởng ban Hành chính của Bộ Tư lệnh:
- Chiến thắng rồi! Tài đâu! Xem còn tý rượu nào đem ra đây khao mọi người đi!
Thấy anh Đặng Vũ Hiệp nói vậy, anh Hoàng Minh Thảo sau những giây phút căng thẳng, giờ đã vui cũng thêm vào:
- Còn tút thuốc lá và lon bia nào cũng mang cả ra đây !
Vốn rất thèm thuốc, giờ nghe Tư lệnh Hoàng Minh Thảo nói vậy ai cũng phấn chấn hẳn lên. Bên ngoài Sở Chỉ huy, anh em cảnh vệ, phục vụ nghe thông tin chiến thắng từ Sở Chỉ huy truyền ra quân ta đã chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23, đã chiếm được Buôn Ma Thuật, tất cả chẳng ai bảo ai cũng nhảy lên hò reo, vang động cả một khu rừng. Anh Vũ Lăng tuy là Phó Tư lệnh nhưng là người chuẩn bị từ đầu đến cuối cho trận đánh Buôn Ma Thuột, đêm qua anh mới từ mặt trận Đức Lập trở về Sở Chỉ huy, nhưng sáng sớm nay anh đã có mặt ở Sở Chỉ huy theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của tình hình. Khi nhận tin quân ta chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23 cũng không giấu nổi niềm vui nhưng là người chỉ huy điềm tĩnh, có tầm nhìn sắc sảo về tư duy quân sự, anh trao đổi với anh Hoàng Minh Thảo, ngay sau đó đã ra 3 mệnh lệnh cho các đơn vị:
1- Lệnh cho Sư đoàn 316 và các đơn vị đánh Buôn Ma Thuột tổ chức lực lượng tiếp tục truy quét, quét sạch bọn địch còn lại trong thị xã Buôn Ma Thuột.
2- Lệnh cho Sư đoàn 316 chỉ đạo Trung đoàn 174 và Trung đoàn đặc công 198 tiếp tục tấn công tiêu diệt bọn địch còn lại ở sân bay Hoà Bình và căn cứ 53.
3- Lệnh cho Sư trưởng Sư đoàn 10 - Hồ Đệ sử dụng Trung đoàn 24 kết hợp cùng xe tăng tấn công ngay căn cứ 45 và chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đánh quân địch đến giải cứu Buôn Ma Thuột .
Có thể nói đây là những mệnh lệnh rất quan trọng, rất kịp thời trong bối cảnh lúc bấy giờ nhằm quét bọn địch còn lại ở trong thị xã và tiêu diệt các căn cứ của địch ở xung quanh Buôn Ma Thuột, không cho chúng kịp củng cố lực lượng đưa quân vào tái chiếm Buôn Ma Thuột. Chính nhờ sự chỉ đạo sắc sảo, kịp thời của Bộ Tư lệnh, các đơn vị của ta đã nhanh chóng tiêu diệt lực lượng còn lại xung quanh Buôn Ma Thuột và đánh tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột của Sư đoàn 23; buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên, tạo thời cơ chiến lược mới để Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư quyết định giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
46 năm đã trôi qua, nhưng không khí mừng vui chiến thắng ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên trưa ngày 11-3-1975 vẫn không bao giờ quên trong tôi.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể Nguyễn Đình Thi ghi