Kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27/01/1973 – 27/01/2018): Kỷ niệm khó quên vùng giáp ranh cách đây 45 năm
Đêm 26-1-1973, Tiểu đoàn 5 (E95,F325) hình thành thế trận đánh Sở chỉ huy Tiểu đoàn dù ngụy tại ngã 3 Phương Môn (Quảng Trị) thì Trung úy Trần Minh Hùng, Tiểu đoàn trưởng (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 5) nhận lệnh cấp trên chuyển hướng tiến quân về làng Tích Tường để kịp cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng (DTGP) miền Nam Việt Nam vào 5 giờ ngày 27-01. Nhận lệnh lúc 3 giờ sáng, về Tích Tường phải 2 lần vượt sông, trên quảng đường 5km. Rất may, tổ du kích của xã Triệu Thượng có mặt dẫn tiểu đoàn theo 3 mũi luồn lách qua địa hình có địch. 4h30 phút, tiểu đoàn tạo thế bao vây làng Tích Tường, đúng 5 giờ sáng tiểu đoàn phát lệnh tiến công đánh thiệt hại đại đội thuộc Lữ đoàn dù thuộc quân lực VNCH.
Hiệp định Paris được kí kết, lệnh ngừng bắn của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam có hiệu lực. Tiểu đoàn trường Hùng cùng với viên trung úy chỉ huy đại đội dù đi kiểm tra vùng giáp ranh giữa ta và địch đóng quân xen kẽ, thống nhất giữ nguyên hiện trạng, không bên nào vi phạm lệnh ngừng bắn. Thấy một trung đội Thám báo ngụy nằm lọt phía sau đội hình của ta, đồng chí Hùng hỏi và viên trung úy VNCH cho biết đó là đội hình do cấp trên tăng cường cho mặt trận, không thuộc quyền của y. Tiếp đó, cán bộ chính trị tiểu đoàn 5 tiến hành công tác địch vận thuyết phục, kêu gọi sĩ quan, binh sĩ ngụy không nên tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến phi nghĩa, chạy sang vùng giải phóng, hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng. Viên trung đội trưởng tỏ ý ngần ngại, nếu theo cách mạng thì vợ con, gia đình của y tại quê nhà sẽ bị liên lụy với cấp trên nên không có quyết định dứt khoát. Thời gian chiến trường không cho phép kéo dài, sau khi bộ đội ta kiên trì thuyết phục không có kết quả, tiểu đoàn thực hiện lệnh cấp trên bắt làm tù binh 23 binh sĩ trung đội thám báo.
Cùng ngày, quân ta dựng một nhà bằng vải bạt làm “Nhà hòa hợp”. Tại đây, Thượng úy Nguyễn Đức Hiền, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 95 (sau này là Đại tá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5), được cử xuống nắm tình hình tại tiểu đoàn đã gặp viên đại úy chỉ huy tiểu đoàn dù tiến hành công tác hòa giải, hòa hợp. Hai bên đề cấp đến việc chấp hành nghiêm lệnh ngừng bắn của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam. Nhận thấy thái độ viên đại úy còn lấn cấn (ngại rằng, cấp trên của y vẫn có lệnh đánh chiếm các vùng đất đã mất). Sau khi xin ý kiến cấp trên, phía ta liền đề xuất biện pháp gỡ khó cho viên đại úy tổ chức trận đánh giả là, 2 bên cùng nổ súng những bắn lên trời không gây thường tích. Viên đại úy chấp thuận, nhưng xét thấy đánh nhau mà không có thương vong là điều vô lý nên đã đưa ra cách “tự sát vết thương”: cuốn vải vào nòng súng khi bắn để ngăn cản khói và mùi thuốc súng tác động vào vết thương, như vậy nếu cấp trên của y có kiểm tra sẽ không phát hiện được.
Tiến hành hành công tác hòa giải, quân ta chọn những đồng chí nói giọng miền Nam, trong đó có đồng chí Hiền (quê Quảng Nam), đồng chí Nghị (quê Đồng Tháp)…tiếp xúc với binh sĩ địch. Đồng chí Hiền phát hiện “đồng hương Điện bàn, tỉnh Quảng Đà”, khuyên họ nắm lấy thời cơ để ra vùng giải phóng, sớm về với gia đình. Qua kiên trì thuyết phục đã có 9 binh sĩ địch đồng ý ra vùng giải phóng. Để giúp họ trở thành hàng binh, quân ta cho đặc công tháo gỡ mìn, chống hàng rào cao lên và hẹn đêm khuya khi có đèn tín hiệu thì vượt qua, có người đón. Trong số 9 binh sĩ thì có 7 người vượt sang vùng giải phóng, còn 2 người quay lại.
Điều thú vị là sau ngày giải phóng miền Nam, đồng chí Hiền về thăm lại quê hương Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) được biết, trong số 7 hàng binh mà anh đã vận động ra vùng giải phóng có Đỗ Văn Yên cùng quê Điện Tiến, (huyện Điện Bàn), nay sinh sống tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Bài và ảnh: Nhân Mùi