Kỷ niệm 45 năm Giải phóng Huế - Đà Nẵng: Nguyễn Tư Chính hy sinh trong ngày giải phóng Tuy Hòa
Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, cùng với các đơn vị của Quân đoàn 3, Trung đoàn xe tăng 273 chúng tôi được lệnh “lật cánh” tiến về duyên hải miền Trung, đánh địch, tham gia giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa...
Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu, trong đội hình Trung đoàn, Đại đội 9 xe tăng (tôi là Đại đội trưởng) đánh địch trong hành tiến theo đường số 7, xuống Tuy Hòa, Phú Yên.
Tối 25-3-1975, lực lượng trinh sát chia làm hai hướng. Hướng chủ yếu đi dọc sông Ba xuống thị xã Tuy Hòa. Hướng thứ yếu đánh dọc theo đường số 7. Lúc đầu, tôi được phân công đi hướng chủ yếu. Nhưng sau đó chuyển sang hướng thứ yếu, vì đại đội tôi không trang bị xe tăng T.54 mà trang bị toàn bộ xe tăng vừa lấy được của địch.
Theo kế hoạch chiến đấu, hướng đường số 7 gồm Đại đội 9 được tăng cường một đại đội xe tăng T.54, tổng số có 22 xe tăng, do tôi chỉ huy đánh vào thị xã Tuy Hòa. Hướng đánh dọc theo sông Ba, do đồng chí Nguyễn Cảnh Xuân - Đại đội trưởng Đại đội 1 xe tăng chỉ huy.
5 giờ sáng ngày 1-4-1975, xe tăng - thiết giáp của ta chia thành hai hướng tiến đánh địch trong thị xã Tuy Hòa. Là mũi thứ yếu, tiến theo đường số 7, nên Đại đội tôi đi giữa tầm bắn phá mạnh nhất của trận địa pháo địch ở Nhạn Tháp. Xe tôi đi đầu đội hình, mảnh đạn pháo chém vào thành xe chát chúa.
Tiến vào cách thị xã khoảng 3 cây số, xe của tôi bắn liên tiếp 5 phát đạn, tiêu diệt trận địa pháo của địch trên đỉnh núi Nhạn Tháp, làm cho địch vô cùng hoang mang (sau này, có dịp thăm lại trận địa pháo của địch ở đây, tôi vẫn thấy dấu vết đạn của chúng tôi bắn hôm đó).
Theo phân công, khi tiến đến Nhạn Tháp, Đại đội 9 dừng lại làm lược lượng dự bị cho Đại đội 1. Nhưng qua liên lạc bằng điện thoại, tôi biết Đại đội 1 của Nguyễn Cảnh Xuân đang bị sa lầy ở bờ sông. Cũng như tôi, Cảnh Xuân không liên lạc được với Trung đoàn. Trong tình thế đó, tôi quyết định đánh thẳng vào thị xã Tuy Hòa. Với quyết định này, Đại đội 9 đã trở thành mũi chủ yếu (sau này, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đánh giá cao quyết định táo bạo, nhanh chóng của tôi khi đó).
Trên đường tiến vào thị xã, một quả đạn nổ đúng đầu chiếc xe M.48 chiến lợi phẩm của tôi. Xe bị hỏng hoàn toàn. Lập tức, tôi nhảy ngay lên chiếc T.54 của đồng chí Tùng (Đại đội 1); lên xe, tôi móc cáp lên tai và lệnh cho Tùng:
- Vù lên đầu đội hình, dẫn đơn vị xông vào.
Địch bị ép ra phía biển, không còn đường lui, vội gọi tàu chiến vào yểm trợ. Lập tức, bốn chiếc tàu chiến lao vào. Tôi cho dừng xe, bình tĩnh lấy lại cự ly 3.800 và siết cò. Phát đạn đầu tiên trúng một tàu địch. Sau đó, tôi cho chỉnh pháo, bắn chìm chiếc thứ hai. Những xe tăng còn lại bắn chìm thêm chiếc nữa. Lúc đó là 6 giờ 30 phút ngày 1-4-1975).
Thấy tàu cứu viện bị bắn chìm, bọn địch chạy ra phía biển vội vàng bỏ súng xin hàng. Đội hình xe tăng dàn hàng ngang tiến vào thị xã Tuy Hòa. Địch ngoan cố dựa vào các công sự, chống trả quyết liệt. Nhưng chúng liên tục bị hỏa lực trên xe đập nát.
Khi xe chúng tôi tiến đến cầu Ông Chữ, thấy cầu yếu, nếu xe qua rất dễ bị sập, tôi cho dừng xe, lao xuống bờ sông. Hai loạt AR15 bay chíu chíu bên tai. Thấy bờ sông, đáy sông toàn cát, tôi quyết định cho xe tăng vượt sông. Toàn đại đội nhanh chóng vượt sông, tràn vào thị xã. Lúc này, Đại đội 1 cũng thoát được lầy, bám sau đội hình đại đội tôi, cùng xốc tới.
Trung đội trưởng xe tăng Nguyễn Tư Chính chỉ huy xe M.41 chiến lợi phẩm số 025, dũng cảm cho xe mình vượt lên trước đội hình, phối hợp cùng các xe thiết giáp và bộ binh truy kích địch. Bị dồn ra phía biển, quân địch cùng đường chống cự quyết liệt. Đang lúc trận đánh diễn ra hết sức căng thẳng, pháo thủ trên xe 025 hy sinh. Nguyễn Tư Chính liền lao người ra khỏi buồng xe, vừa chỉ huy, vừa dùng súng 12,7 ly xả đạn vào các cụm quân địch. Chính bị thương, máu ướt đầm áo mà chẳng hay biết gì, tay vẫn siết cò súng, đạn vẫn bay về phía quân địch. Cho tới lúc hơn 1.000 viên đạn đã hết, cũng là lúc trái tim Nguyễn Tư Chính ngừng đập.
Trong đại đội, tôi rất thân và quý Nguyễn Tư Chính, quê Tuy Hòa, Phú Yên. Lúc này tôi mới giật mình nhớ đã mấy lần xung trận, Chính đều quả quyết:
- Em có chết cũng phải chết trên quê hương em! Vậy là điều mà Chính quả đoán đã thành sự thật.
Lập tức, tôi ra lệnh:
- Tiến lên! Tiêu diệt hết những mục tiêu còn lại.
Tiếng thét trả thù cho Nguyễn Tư Chính lúc đó như tiếng kèn xung trận, thôi thúc tất cả chúng tôi xốc tới, tiêu diệt tàn quân địch trong thị xã.
Đến 10 giờ ngày 1-4, tiếng súng trong thị xã thưa dần. Nhân dân Tuy Hòa ùa ra đường đón chúng tôi. Niềm vui dâng trào, cả bà con và chúng tôi. Trong giây phút đó, tiếc thương người em, người đồng đội thân thương, tôi không cầm nổi nước mắt!
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể - Duy Tường ghi