Kỷ niệm 45 năm Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng: Biểu tượng của chiến thắng
Tròn 45 năm kể từ ngày quân và dân ta giành toàn thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên, mỗi lần trở lại chiến trường xưa, ngắm nhìn chiếc xe tăng ngạo nghễ đứng giữa ngã Sáu trung tâm T.P Buôn Ma Thuột biểu tượng của đại thắng Tây Nguyên, tôi lại bồi hồi xúc động nhớ về những ngày tháng 3-1975 rực lửa, nhớ về một mốc son chói lọi của lịch sử nước nhà.
Tham gia đánh vào Buôn Ma thuột, mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, Đại đội 9 xe tăng (thuộc d3, e273, Quân đoàn 3) do tôi làm Đại đội trưởng, được tăng cường 1 đại đội xe bọc thép K63, là lực lượng đột kích, tăng cường cho Trung đoàn 24 bộ binh đánh trận mở màn. Với 22 xe tăng, xe bọc thép, tôi tổ chức thành 4 thê đội; tôi chỉ huy chung và trực tiếp chỉ huy thê độ 2.
Đêm ngày 8 rạng ngày 9-3, trong đội hình Tiểu đoàn tăng 2 và 3, Đại đội 9 tiến vào vị trí tập kết chiến đấu ở bắc Ia Tui, buôn Dung, buôn Cây Dừa, cách Buôn Ma Thuột 40km về phía bắc. Đường xuất kích của xe tăng băng qua các cánh rừng, đã được công binh cưa gần đứt các thân cây, để đến giờ xuất kích, xe tăng sẽ húc đổ cây, mà tiến. Đây là một sáng kiến, một phương thức ngụy trang chưa từng có trong chiến tranh của công binh.
Trong quá trình chuẩn bị tại vị trí tập kết, tôi còn có sáng kiến mỗi xe tăng cố định thêm 10 viên đạn pháo và mỗi xe K63 chở thêm 10 viên nữa, nâng cơ số đạn chiến đấu của mỗi xe tăng từ 34 viên lên 54 viên. Sáng kiến này về sau được Trung đoàn 273 áp dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đúng 2 giờ sáng ngày 10-3-1975, cuộc tổng tiến công vào mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu. Trung đoàn đặc công 198 bất ngờ, táo bạo nổ súng đầu tiên đánh vào sân bay thị xã, khu kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình. Được lệnh tiến công, Đại đội tôi và các lực lượng tăng – thiết giáp... từ vị trí tập kết tiến vào vị trí xuất phát.
Với kinh nghiệm cơ động xe tăng trong chiến đấu, tôi đề nghị trên cho xuất phát trước thời gian quy định của Bộ Tư lệnh chiến dịch 15 phút (2 giờ kém 15 phút). Rất may là được xuất phát sớm, nên mặc dù phải đi vòng qua Chư Nga, lại bị máy bay địch chặn đánh, nhưng đội hình đột kích thọc sâu của chúng tôi không bị chậm so với bộ binh. Từ phía tây thị xã, theo các lộ cọc tiêu đã được công binh cắm sẵn chỉ đường, xe tăng, thiết giáp chở quân của ta băng qua các lô cà phê, chè, vượt qua các ổ đề kháng vòng ngoài của địch, nhằm hướng mở cửa mở phía tây lao lên. Mặc dù không có lệnh trên, nhưng trước tình thế chiến dịch đã xuất hiện, tôi hạ lệnh cho các xe bật đèn lên để tiến. Xe tăng, xe thiết giáp, pháo cơ giới... nối đuôi nhau qua phà vượt sông Xê Rê Pốc. Núi rừng Tây Nguyên chuyển mình trong bão lửa...
Cửa mở chúng tôi chọn đánh vào khu kho Mai Hắc Đế từ hướng tây bắc, đây là hướng mà lực lượng địch mỏng nhất, nhưng hơi xa. Dọc đường hành quân bị máy bay địch bắn rát, đường lại xa, nên đúng 5 giờ, toàn bộ lực lượng đột kích thọc sâu mới có mặt tại vị trí xuất phát xung phong, cạnh một rừng chuối, cách địch chừng 1km.
Theo kế hoạch đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, thê đội 1 đột phá chính giữa cửa mở. Thê độ 2 xung phong thọc sâu, vào gọn, giữ chắc cửa mở cho thê độ 1 xốc tới. Cứ thế, đội hình chúng tôi phát triển theo kiểu cuốn chiếu mà lao vào. Nhưng thực tế không diễn ra như dự kiến.
Đúng 5 giờ 25 phút, pháo của ta bắn phá mù mịt, tôi hạ lệnh xuất phát. Theo kế hoạch chiến đấu, thê đội 1 do Nguyễn Tư Chính dẫn đầu đánh chiếm cửa mở để thê đội 2 do tôi dẫn đầu thọc sâu vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Nhưng trong quá trình hành tiến, xe của thê đội 1 bị sa lầy. Lập tức, tôi lệnh cho lực lượng hỗ trợ cơ động lên cứu xe thê đội 1 khỏi bãi sa lầy. Đồng thời, tôi dẫn đầu thê đội 2 vượt lên, thay thế đội 1 đánh chiếm cửa mở. Sau khi sử dụng hỏa lực bắn phá các mục tiêu của địch, xe tăng hỗ trợ bộ binh xung phong đánh chiếm, chốt giữ cửa mở.
Qua cửa mở, thọc sâu vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, ngoài bộ binh, xe tăng còn có xe K63 của Đại đội 6 do đồng chí Năng - Đại đội trưởng chỉ huy sang phối thuộc. Trong quá trình chỉ huy chiến đấu, đồng chí Năng bị thương vào mắt, đồng chí Vân – Chính trị viên thay chỉ huy. Toàn bộ lực lượng đột kích thọc sâu hiệp đồng chiến đấu tốt, thông tin bảo đảm thông suốt...
Bị dồn vào chân tường, địch ngoan cố chống cự, tập trung hỏa lực hòng cản xe tăng ta. Hầu hết xe tăng của đại đội tôi đều có anh em bị thương. Một quả đạn pháo trúng xe tôi làm Vĩnh, lái xe gãy tay trái. Tôi cho xe lùi lại, bế Vĩnh ra xe để chuyển về sau cấp cứu và điều đồng chí Hồng từ xe 703 lên thay Vĩnh. Xe 980 của tôi lúc này chỉ còn mấy anh em lành lặn là tôi, Vinh, Mỹ và Hồng. Tôi vừa là Trưởng xe, vừa là pháo thủ. Vừa chỉ huy chung 4 thê đội, trực tiếp dẫn đầu đội hình xộc thẳng vào khu vận tải, quân y của Sư đoàn 23 ngụy.
Từ 5 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút sáng ngày 10-3, chúng tôi quần nhau với địch ở khu vực hậu cần, truyền tin của Sư đoàn 23 ngụy. Không gian tác chiến chỉ chừng 1km2. Từ khu hậu cần đến khu truyền tin, tôi bắn cháy một kho xăng của địch. Nghe không rõ báo cáo của tôi, anh Trần Doãn Ký (Trưởng ban Thiết giáp mặt trận) lại thông báo là tôi bắn cháy một xe tăng.
Khi đánh đến khu truyền tin, thấy biển tên của địch có ghi: “Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 - Trung tâm truyền tin”, nhưng qua cửa chỉ huy của xe, tôi chỉ nhìn thấy dòng nên báo ngay cho anh Kỷ rằng chúng tôi đã đánh vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy...
(Còn nữa)