Kỷ niệm 44 năm ngày truyền thống binh chủng Đặc công (19-3-1967 - 19-3-2011): Tinh nhuệ trong thời bình (16/03/2011)
Những năm qua Binh chủng Đặc công có thêm nhiệm vụ tác chiến chống bạo loạn, khủng bố, bảo vệ chủ quyền biển đảo; Đảng ủy, Bộ tư lệnh đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, làm chuyển biến tiến bộ đồng đều và khá vững chắc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Điển hình là công tác huấn luyện. Cường độ cao, thường xuyên đối mặt với gian khó, nguy hiểm đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm vận dụng kỹ, chiến thuật, nghiệp vụ; từ việc nghiên cứu địa bàn, mục tiêu trên các hướng, khu vực trọng điểm đến duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực quân số. Các đơn vị chủ động đổi mới cả nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ, sát đối tượng, chuyên trách của mình như: đặc công chống khủng bố, đặc công biệt động chủ yếu là tác chiến trong thành phố nên phải luyện tập thành thục các động tác leo trèo và các loại vật cản, ngụy trang như cỏ cây, đất đá… để bí mật tiếp cận mục tiêu; đặc công nước thì lại phải bơi, lặn, làm chủ các tình thế khi độc lập tác chiến giữa biển khơi, đối mặt với điều kiện đặc biệt nguy hiểm… Qua huấn luyện đã làm cho bộ đội, chiến đấu viên giỏi về trình độ kỹ thuật, võ thuật, linh hoạt về chiến thuật, đánh địch bằng sự mưu trí, dũng cảm và kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, cách đánh truyền thống của Bộ đội Đặc công trong tình hình nhiệm vụ mới.
Đại tá Lê Đức Hậu, Trưởng phòng Tuyên huấn là một cán bộ, trưởng thành từ cơ sở. Bằng những kinh nghiệm tích lũy, tuy cơ quan chỉ có 15 cán bộ, nhân viên, nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy về công tác tư tưởng và văn hóa trong khi các đơn vị đứng chân tại nhiều trọng điểm, trọng yếu của cả nước như thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Ninh Thuận… Phòng Tuyên huấn 4 năm liền (2006-2010) đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Anh cho biết: Trường sĩ quan Đặc công, sau 9 lần di chuyển từ Bắc vào Nam rồi ngược lại, mấy năm gần đây mới được đầu tư xây dựng cơ bản. Nhiều ngành học, bậc học như đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo hạ sĩ quan, chiến sĩ, sơ cấp vũ thuật, trung cấp biệt động, cao đẳng cảnh sát cơ động; có cả học viên nước ngoài như Lào, Cam-pu-chia, Cu-ba, Chi-lê, En Xan-va-đo… Trường còn là trung tâm nghiên cứu khoa học phát triển nghệ thuật tác chiến bộ đội đặc công, với gần 55% giáo viên có trình độ sau đại học, đầu tư nghiên cứu 4 đề tài, 10 chuyên đề cấp Nhà nước và Bộ, 65 đề tài của học viên. Từ năm 2006 đến nay có 2.356 học viên ra trường thì có 80% số học viên tốt nghiệp khá và giỏi; được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Cờ thưởng thi đua và Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương It-xa-la lần thứ 2.
Đoàn đặc công biệt động 1 có nhiệm vụ chống khủng bố, giữ gìn ANTT và bảo vệ các mục tiêu được phân công, đã tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị và chất lượng chiến đấu viên; huấn luyện trên xe, tàu, máy bay, nhà hàng, khách sạn… Cán bộ, chiến sĩ dũng cảm vượt tường cao, hào chông, lô cốt, hàng rào, cây cột nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô như Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội XI của Đảng, 4 năm liền được nhận Cờ thưởng thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND năm 2008.
Mùa xuân năm 1975, Đoàn M98 mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, tiến đánh các mục tiêu quan trọng như Tổng kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, sân bay thị xã Buôn Ma Thuột… cùng Quân đoàn 3 tiến công hướng Tây Bắc Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Chỉ riêng Tết Tân mão (2011) Đoàn hỗ trợ 2,1 tấn gạo, khám bệnh cho 190 đối tượng chính sách, cấp thuốc trị giá 11 triệu đồng, tặng 86 suất quà, trị giá 41 triệu đồng cho bà con các dân tộc ở TP Buôn Mê Thuột, huyện Krông-pách.
Thượng tá Lê Thế Huấn, Chủ nhiệm khu kho kỹ thuật, bảo quản, giữ gìn nhiều loại vũ khí, trang bị đặc biệt quan trọng, tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình, có nhiều đồng bào dân tộc còn nặng về hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội. Lê Thế Huấn khắc phục khó khăn, kết hợp xây dựng khu kho an toàn với xây dựng địa bàn an toàn. Khu kho 4 năm liền đạt đơn vị quyết thắng, Huấn có 3 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Bài và ảnh: Xương Giang