Trong mỗi chúng ta, ai đã qua những năm tháng tuổi học trò, khó mà quên được bài viết "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ với mấy dòng của bài viết đó, Người đã khái quát rất cô đọng, súc tích truyền thống yêu nước của người Việt: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...".

Truyền thống yêu nước của nhân dân ta đã được minh chứng sống động qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của Dân tộc. Được sống vào thời khắc đầu năm 1979 - khi mà độc lập, chủ quyền của đất nước một lần nữa đứng trước thử thách hiểm nghèo, tôi lại càng thấy điều mà Bác Hồ khẳng định là chân lý!

Ngày đó, tôi đang là sinh viên năm cuối của Khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ mùa hè năm 1978, tình hình đất nước đang nóng lên từ Nam chí Bắc. Bạn bè trong Trường đã có một số tạm gác bút nghiên, rời giảng đường, vào chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Còn phía Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội..., chuyện "Hoa kiều", "Nạn kiều" ngày càng ồn ã. Hè năm đó, xảy ra vụ một số người Việt gốc Hoa và những phần tử xấu làm loạn ở Ga Hàng Cỏ. Và rồi "không tin nổi dù đó là sự thật", sáng sớm ngày 17-2-1979, chiến tranh đã nổ ra ở biên giới phía Bắc. Không biết nguồn cơn từ đâu mà bạn hữu "núi liền núi, sông liền sông" trong chốc lát đã biến thành thù. Trung Quốc huy động hơn sáu chục vạn quân tấn công ta suốt toàn tuyến biên giới, từ Phong Thổ, Lai Châu đến Móng Cái, Quảng Ninh.

Chiến sự xảy ra đã gieo một bầu không khí căm phẫn khắp các công xưởng, trường học..., phố phường, thôn xóm. Những ngày này, khắp ký túc xá Mễ Trì của sinh viên chúng tôi cũng như các phố phường Hà Nội tràn ngập không khí đặc biệt. Ngay sau khi chiến sự nổ ra trên biên giới, mấy hôm liền, sinh viên không lên lớp. Không ai bảo ai, tụ tập thành từng nhóm, cùng hô vang: "Đả đảo quân xâm lược",... Thấy nhóm dưới sân trường hô, lập tức từ các phòng trên tầng cao, sinh viên, cán bộ cũng nhào ra hành lang hưởng ứng. Dọc các nẻo phố khu vực các Nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long... khí thế chống xâm lược càng hừng hực hơn. Trước không khí sục sôi của sinh viên, Khoa Lịch sử tổ chức mít tinh phản đối hành động xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố Lệnh Tổng động viên, nhiều sinh viên của Trường viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Khởi nguồn từ Khoa Sử với anh Nguyễn Triều - bộ đội xuất ngũ về học Khóa 21. Chuyện anh Nguyễn Triều viết đơn bằng máu, xin đi chiến đấu nhanh chóng lan truyền và được nêu gương toàn Khoa, toàn Trường. Nhưng rồi sang tháng 3 năm đó, vấp phải cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vô cùng anh dũng của quân và dân ta, lại bị dư luận tiến bộ trên thế giới cực lực lên án, nhà cầm quyền Trung Quốc buộc phải rút dần quân, chiến sự tạm hạ nhiệt, nên sinh viên chưa nhập ngũ. Mặc dù vậy, ở Khoa Văn đã có một vài sinh viên "đặc biệt", bất chấp lệnh của lãnh đạo Khoa và Trường, đã xông thẳng lên biên giới, trong số đó có nhà thơ - CCB Hoàng Nhuận Cầm và anh Trần Côn (nghe nói con một gia đình cách mạng ở tỉnh Quảng Trị).

Không bàn về ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật của các nhân vật "đặc biệt" này, nhưng ẩn chứa phía sau sự "vô kỷ luật" đó, tôi thấy được bầu "máu nóng" đã sôi trào của con dân khi độc lập, chủ quyền của đất nước bị đe dọa. Chừng nửa tháng sau, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từ biên giới về, chúng tôi được nghe anh đọc những vần thơ anh viết còn nóng bỏng mùi thuốc súng: "... Tôi không thể nào mang về cho em... Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hòa An...". Qua hỏi, được biết anh đã có mặt ở Cao Bằng khi chiến sự vừa nổ ra, được nghe quân - dân ở đây kể có lúc xe tăng của Trung Quốc đã tràn xuống thị xã (khi đó chưa là thành phố).

Dù sinh viên không tổng động viên, nhưng mấy tháng sau, trừ sinh viên năm cuối, còn năm thứ ba trở xuống thay nhau đi xây dựng phòng tuyến sông Cầu (Bắc Ninh). Sau này, khi nhập ngũ huấn luyện chiến sĩ mới, đi bắn đạn thật ở núi Thiên Thai, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, thấy hệ thống giao thông hào giăng khắp sườn núi, tôi lại nhớ về "Khi Tổ quốc bị xâm lăng" thì "... Quân thù đến, trang luận văn viết giở/ Ta hẹn nhau viết tiếp ngày về..."; để bây giờ "Anh đến bên em và tình yêu đôi lứa/ Lại giăng thành lũy thép giữ quê hương".

Kể lại kỷ niệm những ngày xuân 40 năm trước, để mong sao đất nước mãi bình yên; để không bao giờ chúng ta và muôn đời con cháu phải hát "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...". Và "Tinh thần yêu nước" của nhân dân ta đừng một lần nữa phải thử thách bởi dã tâm xâm lược và súng đạn của "lũ cướp nước"!

Duy Tường