Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “HÀ NỘI - Điện Biên Phủ trên không”: Người hỏi cung giặc lái B52 Mỹ (01/11/2012)
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, sinh năm 1934, tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tháng 12-1948, ông vào làm cấp dưỡng tại Ty Công an Đắc Lắc. Tháng 1-1949, ông giữ chức văn thư bảo mật cho Ủy ban Kháng chiến hành chính Đắc Lắc và Tỉnh đội Đắc Lắc. Tháng 7-1952, khi tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ và là chiến sĩ văn thư Ban Chính trị, trở thành tiểu đội phó, tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 602, Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 96, Đại đoàn 305. Đến năm 1954, ông đã tham gia chiến đấu 10 trận từ Plây Cu đến Quy Nhơn, bắt sống 6 tù binh (trong đó có một lính Pháp). Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được đi học văn hóa rồi sang học Trường không quân số 3 tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Sau gần 8 năm học tập và huấn luyện, sáng ngày 6-8-1964, ông dẫn đầu đội hình Trung đoàn không quân 921 (Đoàn Sao đỏ), với 33 chiếc máy bay chiến đấu MiG-17A, 3 chiếc máy bay huấn luyện kiểu MiG-15UTI về nước, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Ngày 3-4-1965, trong trận đầu tiên của Không quân Việt Nam với máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, Phạm Ngọc Lan ở biên đội công kích. Đến 10 giờ 9 phút, biên đội của ông phân làm hai tốp, tiến vào khu vực chiến đấu. Ban đầu, số 2 Phạm Văn Túc khai hỏa nhưng không trúng mục tiêu. Ông lệnh cho số 2 bình tĩnh, rồi cho máy bay vào tới cự ly bắn có hiệu quả và bắn rơi đối phương. Phạm Ngọc Lan trở thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Sau đó, lúc 10 giờ 17 phút, số 2 Phạm Văn Túc cũng bắn hạ một F-8E.
Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, do có thành tích trong chiến đấu và là một trong những phi công giỏi bay đêm bằng MiG-21 nên ông giữ chức Chủ nhiệm kiểm tra kỹ thuật bay, Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông cho biết, ngày ấy Sở chỉ huy chính của Quân chủng ở Bạch Mai và chùa Trầm (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), Sở chỉ huy phụ ở cầu Diễn và Tam Thiên Mẫu (huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc), bản thân tôi làm nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật bay của ba sân bay dã chiến trong cái tam giác Hòa Lạc, Cẩm Thủy và Miếu Môn. Được mấy ngày đầu thì tôi có thêm nhiệm vụ hỏi cung giặc lái B52 Mỹ.
Hàng ngày từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ trưa tôi cùng một cán bộ Cục Bảo vệ và phiên dịch vào Hỏa Lò (“khách sạn Hin-tơn”) để hỏi cung từ hai đến ba phi công B52. Nội dung câu hỏi chỉ xoay quanh là tối nay B52 sẽ đánh vào đâu, thời gian, cất cánh từ sân bay nào, bao nhiêu chiếc, đội hình bay ra sao, độ cao, tốc độ, lực lượng máy bay khác đi cùng yểm trợ cho B52… Ban đầu một số tên kiêu ngạo, tự phụ cho mình là phi công của “pháo đài bay” mà trả lời không đúng. Như tôi hỏi: Tối qua ông bay ở độ cao bao nhiêu? Có tên nói 6.000m. Không phải, tôi điểm huyệt, loại máy bay của các ông vào Việt Nam đều ở độ cao 9.000m. Thế là nó chịu. Nhất là khi biết tôi là phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ thì chúng càng nể trọng. Như tên Ri-sớt Giôn-xơn, sinh ngày 27-4-1936 ở bang Ca-li-pho-ni-a, đã khai chính xác là cấp bậc thiếu tá, chức vụ hoa tiêu ra-đa trên máy bay ném bom B52, thuộc đơn vị ném bom số 72, biên đội số 6, căn cứ không quân chiến lược En-đơ-xơn, đảo Gu-am, bị bắt đêm 18-12 khi thực thi nhiệm vụ trút bom xuống một mục tiêu đã định sẵn cách Hà Nội 10 dặm về phía đông bắc, nhưng chưa kịp chút bom thì đã bị bắn hạ. Hoặc thiếu tá hoa tiêu, người Mỹ gốc Mê-hi-cô là Phé-nan-đô, đi lính năm 1952, đã có hơn 250 phi vụ bay ở miền Nam nước ta. Đêm 19-12 hắn có nhiệm vụ trút bom tiêu diệt Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và đã bị bắn rơi ngay trước cửa ngõ Thủ đô. Trong một chiếc B52 có 6 nhân viên phi hành, thì lái chính là tên chỉ huy (còn gọi là trưởng máy bay). Lái chính đi nhận lệnh cấp trên, rồi phổ biến cho những người trong phi hành. Nhưng để bảo đảm bí mật hoặc thời gian gấp nên lái chính chỉ phổ biến nhiệm vụ khi máy bay đã lên khỏi sân bay. Những người hỏi cung, chúng tôi phải chọn lái chính để ưu tiên làm việc trước như tên trung tá Giôn Ha-ri đã có 5.500 giờ bay và đã bay 162 phi vụ ở Việt Nam, hồi 1 giờ 30 phút ngày 22-12, cất cánh từ U-ta-pao vào ném bom Hà Nội. Nhưng chưa bay tới mục tiêu thì Giôn Ha-ri đã nhìn thấy một quả tên lửa bay ngay phía trước, chiếc ghế tự động đã tung hắn lên trời rồi bị bắt vào rạng sáng.
Những lời khai của giặc lái, chúng tôi tổng hợp báo cáo lên Bộ và Quân chủng để nghiên cứu và đối phó kịp thời. Những đêm chúng ném bom ở phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, cầu Đuống chúng tôi đã báo trước. Từ những thông tin của giặc lái mà ta quyết định có cho máy bay lên chiến đấu hay không, các đài ra-đa biết thời gian để mở máy tìm thù, trận địa tên lửa, pháo phòng không xác định sẵn thước tầm, độ hướng để đón đánh… Nhiệm vụ hỏi cung giặc lái B52 của chúng tôi góp phần cho ta giữ được thế chủ động trong từng trận đánh trên bầu trời Hà Nội.
Sau năm 1972, ông được đi học rồi giữ các cương vị Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 370, Cục trưởng Cục Huấn luyện nhà trường Quân chủng PK-KQ, Cục phó Cục Huấn luyện chiến đấu, Bộ Tổng tham mưu, nghỉ hưu năm 1999. Nay ông là Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn bộ binh 305, dù và đặc công khu vực Hà Nội.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm