Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “HÀ NỘI - Điện Biên Phủ trên không”: Ba anh em một chiến hào, hai trận Điện Biên (25/10/2012)
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, làng Cầu Đơ, phường Hà Cầu, Hà Đông, TP Hà Nội có một gia đình công chức sinh được 10 người con, 6 trai, 4 gái. Tuy nhà nghèo, đông con, nhưng các anh em đều được ăn học đầy đủ. Lớn lên 4 người con trai lần lượt vào bộ đội, trong đó có 3 anh Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Văn Vĩnh cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi về thăm Đại tá Nguyễn Văn Vĩnh tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ở tuổi 78 nhưng ông còn nhanh nhẹn và minh mẫn, ông đã vui vẻ kể về các anh của mình trong thời gian quân ngũ.
Đó là Đại tá Nguyễn Văn Chí, sinh năm 1930, nhập ngũ năm 1949, được vào học Trường Lục quân khóa 5 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp loại giỏi, ông được giữ lại làm cán bộ khung của nhà trường để quản lý học viên. Năm 1951, ông được điều động bổ nhiệm làm Đại đội phó, thuộc Tiểu đoàn 174, Đại đoàn 316 tham gia chiến dịch Biên Giới. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Chủ nhiệm trinh sát Trung đoàn 174, giúp Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy đánh đồi A1.
Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông Nguyễn Văn Chí là Chủ nhiệm công binh. Quân chủng Phòng không - Không quân. Theo yêu cầu nhiệm vụ, ông cùng cơ quan nghiên cứu tổ chức xây dựng hệ thống công sự trận địa phòng không dày đặc khắp Hà Nội và khu vực lân cận như trận địa tên lửa, trận địa pháo phòng không với các mục đích trận địa chính, trận địa dự bị, trận địa cơ động, trận địa nghi binh, hầm chỉ huy, khu vực sửa chữa bảo dưỡng tên lửa, súng pháo… chỉ huy kéo pháo, tên lửa vào chiếm lĩnh trận địa… góp phần cho lực lượng phòng không quốc gia và phòng không của quân và dân Hà Nội bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay chiến lược B52 của Mỹ. Năm 1993, ông giữ chức Cục trưởng Cục sân bay hàng không của quân chủng.
Đại tá Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1931, cũng nhập ngũ năm 1949 và vào học Trường Lục quân khóa 6. Học xong ông cũng về Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 làm sĩ quan tác chiến, Ban Tham mưu, cùng với ông Nguyễn Văn Chí tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1960, ông chuyển về Trường Quân chính Quân khu 3.
Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông giữ chức Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tây. Từ ngày 19 đến ngày 25-12-1972, ông trực tiếp chỉ huy lực lượng phòng không của dân quân tự vệ chiến đấu. Đêm ngày 20-12, tự vệ Nông trường Thanh Hà đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F.111A (cánh cụp cánh xòe) của Mỹ. Nghỉ hưu năm 1990, ông tiếp tục làm phó bí thư đảng ủy, sinh hoạt Hội CCB của địa phương.
Còn Đại tá Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1934. Ông nhập ngũ năm 1950, vào Đại đoàn 304. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là trung đội phó, Phòng Hậu cần sư đoàn, trực tiếp ra tận chiến hào tiếp tế đạn dược, trang bị, lương thực, thực phẩm và chuyển thương binh, tử sĩ ra tuyến sau. Sau chiến dịch, ông được đi học chuyển loại cán bộ sang làm công tác tuyên huấn Trung đoàn 57, Sư đoàn 304.
Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn pháo cao xạ 120, Trung đoàn 280, Sư đoàn 361 chiến đấu bảo vệ cầu Đuống. Ngày ấy, cầu Đuống cùng với ga Yên Viên, kho xăng Đức Giang, sân bay Gia Lâm, cầu phao Chương Dương là mục tiêu đánh phá của máy bay địch. Đơn vị trực chiến 24/24 giờ, một ngày chiến đấu nhiều trận, ông động viên bộ đội không ngại ác liệt, hi sinh, chiến đấu bảo vệ mục tiêu cho đến ngày cuối cùng của chiến dịch.
Tới đây, ông Vĩnh dừng lại, mỉm cười nhìn sang lọ hoa huệ tỏa hương thơm ngát. Ông lại nhẹ nhàng: Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ba anh em tôi có gặp nhau ở chân đèo Pha Đin. Tôi và anh Nguyễn Văn Linh cùng giải tù binh vào Thanh Hóa, nhưng anh Linh và anh Chí gặp nhau trước. Tôi phải chạy bộ một cây số mới tới nơi mà cũng chỉ đứng với nhau chừng 15 phút. Hai anh hỏi tôi: Mày đi bộ đội từ bao giờ? Em đi năm 1950. Thế ở nhà thế nào? Ngày em đi thì bố mẹ vẫn khỏe. Rồi cả ba anh em cùng lặng đi, vì đã bốn năm rồi, Hà Đông là vùng địch tạm chiếm, biết bao ẩn họa cho gia đình tôi. Anh Linh móc túi cho tôi một nắm kẹo chiến lợi phẩm. Anh Chí quàng lên cổ tôi cái khăn dù ngụy trang rồi giuc: Thôi, chú đi đi… Sau trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi cũng gặp nhau. Nhưng hai ông lại trách tôi: Chú đánh dở, máy bay Mỹ nhiều thế mà không bắn được cái nào. Tôi ân hận qua!
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm