Kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Tây Nguyên (10-3-1975 - 10-3-2010): Trận đánh lịch sử mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân 1975 (10/03/2010)
Đánh BMT không chỉ quyết định đến vùng Tây Nguyên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển miền Trung và ảnh hưởng đến cả vùng phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn. Trong khi đó, tại cuộc họp ngày 18-2-1975, Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh Sài Gòn cho rằng: “Cộng sản” sẽ mở cuộc tiến công Xuân- Hè để giành đất, giành dân trên chiến trường Quân khu 2 là các tỉnh Quảng Đức, Plây-cu và Kon Tum. Còn BMT có đánh chỉ là đánh “diện”! Chính vì vậy, địch đã dồn hết tinh lực cho mặt trận Plây Cu, ở BMT chỉ còn trung đoàn 53 (Sư 23 ngụy), một trung đoàn pháo binh và một trung đoàn thiết giáp…
Thực hiện kế hoạch đánh BMT, Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã tiến hành các hoạt động nghi binh để lôi kéo địch tập trung về Plây Cu và Kon Tum, bỏ trống mặt trận BMT như mở đường 220, rầm rộ làm đường xung quanh Plây Cu và Kon Tum, đồng thời tung tin sẽ tấn công Kon Tum. Theo kế hoạch nghi binh, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên đã bí mật điều Sư đoàn 968 từ Nam Lào về hoạt động xung quanh Plây Cu để thế chân Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 được di chuyển vào Nam Tây Nguyên. Cùng với việc bổ sung Sư đoàn 968 cho Tây Nguyên, ta còn bổ sung Sư đoàn 316 từ Nghệ An cho mặt trận BMT. Để giữ bí mật, khi di chuyển vào BMT, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 chỉ sử dụng điện đàm của các binh trạm, còn bộ phận điện đài của hai sư đoàn này vẫn để lại, cứ mở máy bình thường. Bằng biện pháp nghi binh qua làn sóng điện, lực lượng của ta đã thành công trong kế hoạch giam chân bộ phận chủ yếu của Quân khu 2 ở Kon Tum và Plây Cu.
Để mở màn trận đánh BMT, lực lượng quân sự tại vùng Tây Nguyên và cơ sở cách mạng đã chuẩn bị về con người và vật lực. Tính đến cuối tháng 2 năm 1975, Tây Nguyên đã dự trữ được 54.000 tấn vật chất, trong đó có 7.286 tấn đạn, 28.000 tấn gạo và thực phẩm đủ sức cho toàn bộ lực lượng hoạt động trong suốt cả năm; đồng thời ngăn chặn địch chi viện bằng đường bộ, các trận đánh trên đường 14, đường 19, Tây Nam Plây Cu, do đó đã cô lập được BMT. Dù địch đã điều liên đoàn biệt động quân số 22 bằng đường không, nhưng toán lính này đã bị Sư đoàn 10 của ta bao vây và tiêu diệt gọn.
Nét ưu việt trong chiến thuật quân sự của chiến thắng BMT là mưu kế nghi binh và công tác hiệp đồng chiến đấu giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương cùng Tỉnh ủy Đắc Lắc để giải phóng thủ phủ Tây Nguyên.
Ngày 10-3-1975, cuộc Tổng tiến công chiến lược và nổi dậy vĩ đại được mở đầu bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã BMT - một vị trí then chốt, hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của quân địch ở Tây Nguyên. Trận đánh trúng huyệt đó đã làm rung chuyển toàn bộ Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, bắt đầu quá trình sụp đổ không thể cứu vãn nổi của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Sau thất bại nặng nề và choáng váng đó, quân ngụy phải rút khỏi Kon Tum và Plây Cu, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn đã được hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng này đã thể hiện được nguyên tắc quân sự tránh chỗ thực, đánh chỗ hư; với nghệ thuật chỉ đạo quân sự: nghi binh chiến dịch, chọn hướng tiến công, bố trí lực lượng trên các hướng tiến công. Lịch sử chiến tranh cách mạng đã ghi nhận chiến thắng BMT có một vị trí quan trọng, là trận đánh lịch sử, mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
ĐÌNH ANH