Kỷ niệm 31 năm Ngày Báo CCB Việt Nam xuất bản số đầu tiên (12.1.1991 - 12.1.2022): Kỷ niệm một thời làm báo Hội
Đầu năm 1991, sau khi tờ Báo CCB Việt Nam đầu tiên ra đời, anh Lê Đức Hiền - Phó Tổng biên tập đã bay từ Hà Nội vào T.P Hồ chí Minh. Anh Hiền nguyên là cán bộ phòng Quản lý in của Nhà xuất bản QĐND mới nghỉ hưu nên biết tôi rất rõ. Anh tìm đến tận nhà tôi và còn mang mấy trăm số báo theo. Sau mấy câu chào hỏi giao lưu, anh bàn thẳng vào công việc, mời tôi làm cộng tác viên của báo, vừa viết tin bài, vừa làm nhiệm vụ phát hành (bán báo). Nghe anh Hiền nói công việc, tôi bộc bạch:
- Công việc viết tin bài cho báo em không ngại lắm, nhưng thú thực với anh việc đi bán báo thì em chưa làm bao giờ.
- Mỗi lần đi các tỉnh lấy tin tức viết bài, anh chỉ mang khoảng 100 tờ báo theo. Tới địa phương nào tùy tổ chức Hội CCB cấp tỉnh, huyện hay cấp xã, mà anh có cách tuyên truyền họ mua bao nhiêu báo cũng được - anh Hiền động viên.
Sau lần bàn bạc với anh Hiền, tôi lên 63 Lý Tự Trọng gặp anh Vũ Linh để nhận nhiệm vụ phóng viên Báo CCB Việt Nam.
Ngày đó phương tiện đi lại rất khó khăn. Thường thì tôi phải đi theo cách “sâu đo”, tức là dùng chiếc xe Honda 67 cà tàng của mình đi từ tỉnh gần sang tỉnh xa cho chủ động. Cách thứ hai là đi xe đạp ra bến xe mua vé cả người và xe, rồi chủ xe đưa xe đạp của tôi lên mui xe. Tới bến đậu, tôi chỉ cần lấy xe đạp xuống, đạp thẳng tới nơi đã định. Cách thứ ba là cứ đi xe đò tới bến xe đã định rồi đi bằng đủ các phương tiện như xe Honda ôm, xe đạp ôm, xe lôi, xe ngựa, thuyền, ghe. Nhiều khi đi Tây Nguyên, tôi còn phải xin người dân cho ngồi vắt vẻo trên chiếc xe trâu kéo gỗ về thôn bản. Cách thứ tư khi phải đi ra Phan Thiết, Phan Rang, tôi thường đi xe lửa. Họa hoằn lắm mới có chuyến đi Phú Yên bằng máy bay. Phiền nhất là dù đi bằng cách nào tôi cũng phải đem theo tối thiểu 100 số báo để quảng bá.
Trong việc vừa đi lấy tài liệu viết tin bài vừa đi bán báo, tôi có 2 kỷ niệm suốt đời không thể nào quên.
Lần thứ nhất, vào một buổi sáng tôi đang đi xe đạp kèm theo 100 số báo định ra bến xe Miền Đông để đi Phan Thiết. Khi gần tới bến xe thì có một thanh niên đi xe máy tốc độ cao lao vào xe đạp của tôi. Cả người và xe tôi ngã nhào xuống đường. Khi tôi đứng dậy thì thanh niên chạy xe máy đã biến mất. Cũng may người và xe chỉ sây sát sơ sơ. Nhưng khi tôi bước đi thì ôi thôi, một ống quần của tôi đã bị xé toạc từ gấu quần lên tận háng. Tôi xấu hổ đỏ nhừ mặt mà không biết xoay xở bằng cách nào. Đành vội đạp xe thục mạng về nhà.
Lần thứ hai, tôi đạp xe thũng thẵng ra bến xe An Sương để đi Tây Ninh. Như thường lệ ngồi trên xe tới trước nhà đồng chí N. (Chủ tịch Hội CCB thị trấn Trảng Bàng), tôi xin lái xe dừng lại để giao báo. Khi xuống xe, tôi gọi đồng chí N. ra chậm chừng 5 phút, thế mà người lái xe nhẫn tâm cho xe chạy mà không đợi tôi. Vì còn gửi chiếc xe đạp và xấp báo trên xe nên tôi phải thuê xe ôm với giá cao để đuổi kịp chiếc xe đó.
Từ năm 1992 trở về sau, Hội CCB các địa phương trên cả nước đã mua báo theo đường Bưu điện. Cho dù tôi chỉ đi phát hành báo một thời gian ngắn nhưng cũng đủ hiểu rằng, làm ra tờ báo đã khó, nhưng đi bán được một tờ báo cũng không phải dễ dàng gì. Mồ hôi công sức của những người đi phát hành, giao báo, bán báo không phải là ít. Hãy hàm ơn họ.
Những năm 90 của thế kỷ trước còn hàng chục vạn hài cốt liệt sĩ nằm rải rác ở khắp các cánh rừng, đồng ruộng, ven sông; hoặc đã đưa vào nghĩa trang liệt sĩ mà chưa biết tên các anh; hoặc các anh đã được ghi tên mình trên bia mộ nhưng gia đình các anh vẫn chưa biết các anh hy sinh ở đâu. Chính từ nỗi đau này nên Báo CCB Việt Nam từ số 1 đã có chuyên mục “Tìm người thân” nhằm thông báo nguyện vọng của các thân nhân liệt sĩ muốn tìm phần mộ của các anh đang nằm ở đâu, đồng thời loan báo tên và địa chỉ phần mộ các liệt sĩ mà Tòa soạn có thông tin để các gia đình liệt sĩ biết! Từ chủ trương của Tòa soạn nên tôi, ngoài vai trò đi thực tế để viết tin bài và đi phát hành báo, dù đi tới đâu tôi cũng tranh thủ hỏi đường tới nghĩa trang để thắp cho các anh một tuần nhang và chụp tấm ảnh bia mộ có ghi đầy đủ họ tên và quê quán của các anh. Ngày đó, tôi phải chụp ảnh bằng cái máy “cơ”, chứ làm gì đã có điện thoại thông minh như bây giờ. Chụp hết cuộn phim thì lại phải đi tráng phim và in ra 2 tấm ảnh. Một tấm gửi đăng báo, một tấm gửi thẳng đến địa chỉ của gia đình liệt sĩ. Có chuyến đi, tôi chụp cả trăm tấm ảnh mộ liệt sĩ rồi về hiệu ảnh để in ra hàng trăm tấm gửi đi các nơi, cũng mất khá nhiều thời gian, công sức. Tôi thường nói vui, những việc tôi làm là việc “không tên” cũng có phần đúng.
Hầu hết những Hội CCB mà tôi đến làm việc dù là cấp tỉnh hay cấp xã, phường tôi đều được đón tiếp chân tình. Càng đi sâu vào các làng quê, xóm ấp tôi càng phát hiện có nhiều anh chị em CCB đời sống rất khó khăn. Khổ nhất là những anh em bị thương tật, bị nhiễm chất độc da cam mà chưa làm được Thẻ thương binh nên chưa được hưởng chế độ chính sách. Nỗi khổ thứ hai là có một số anh chị ra miền Bắc tập kết, khi miền Nam được giải phóng, nhiều anh bỏ đơn vị về mà không nghĩ gì đến quyền lợi được hưởng. Ngay cả việc sinh hoạt Đảng cũng bị cắt. Qua hàng trăm đơn từ khiếu nại gửi về Tòa soạn đòi hỏi quyền lợi chính đáng nằm ngoài khả năng giải quyết của Tòa soạn, nhưng là một phóng viên đi nghe phản ánh trực tiếp của người khiếu nại, tôi không thể làm ngơ. Nhiều trường hợp tôi phải đưa các anh chị lên Phòng LĐTBXH, hoặc hướng dẫn các anh về đơn vị cũ bổ sung những giấy tờ đã thất lạc.
Tôi nhớ mãi một lần tới tỉnh Trà Vinh tìm hiểu về hoàn cảnh của một CCB. Sau chuyến đi công tác, tôi về Cơ quan đại diện nộp bài và báo cáo với anh Vũ Linh về tình hình được nghe một số CCB ở tỉnh Trà Vinh kiến nghị. Anh Linh chỉ thở dài buồn bã!
Lại có đơn thư khiếu nại của hội viên T. đã từng làm Phó Chủ tịch UBND một xã từ Phan Thiết gửi vào, thư có đoạn trình bày: “Trong một lần giải quyết tranh chấp về đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương, tôi đã giải quyết ổn thỏa, vừa về đến nhà một chút thì có nhân viên văn phòng đến gọi: “Người dân lại ra kiến nghị làm náo loạn cả Ủy ban, anh không mau ra giải quyết thì loạn”. Vì đang bực bội và nóng bức tôi thốt ra câu nói không suy nghĩ kỹ “đuổi mẹ chúng nó về hết đi”. Ai ngờ “bức vách có tai”, ngày hôm sau câu nói của tôi đã lan ra toàn xã và đã có thư tố cáo tôi “chửi dân” lên đến tận Tỉnh ủy. Một số người “nâng quan điểm” cho tôi là mạt sát coi thường dân. Một thời gian sau thì tôi bị khai trừ Đảng và bị cách chức Phó Chủ tịch UBND xã…”.
Đọc xong thư anh Linh nói với tôi:
- Anh phải ra tận xã của đồng chí T. gặp một số đảng viên và quần chúng rồi lên Huyện ủy hỏi xem sao? Nếu chỉ vì một câu nói khi nóng giận, khi bức bách mà phủi hết công lao, thành tích của anh em thì không nên. Người ta thông thường nhiệt tình nhưng nóng nảy và phát ngôn bừa bãi là mất hết uy tín. Đau quá!
Những đơn khiếu kiện như vậy gửi về Tòa soạn nhiều lắm. Đôi khi còn có những CCB từ các tỉnh lên Tòa soạn vay vốn về làm kinh tế. Có anh tìm đến Tòa soạn chỉ xin vài tờ báo. Cá biệt có những CCB từ nhà quê lên thành phố bị mất ví tiền cũng vào Tòa soạn xin giúp đỡ. Năm 1992, có trường hợp cháu Trần Thị Hương ở tỉnh Tiền Giang bị thất lạc ba, đến nhờ Tòa soạn đi tìm ba cho em!... Biết bao nhiêu sự việc “không tên” mà anh Vũ Linh phải đứng ra giải quyết, còn tôi là người đi “tìm hiểu thực tế”.
Đau lòng nhất là khi đi công tác tới vùng Tây Nguyên, tôi gặp nhiều CCB bị nhiễm chất độc da cam. Có gia đình có tới 2 người con đều bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Nhìn hình dạng các em không ra hình thù một con người. Có em sinh ra không có mắt, có em không đủ chân tay, có em bại não nằm đơ như cục thịt. Nhìn các em tôi không cầm được nước mắt. Thương nhất là các chị phải nuôi cả chồng con đang “dở sống dở chết”.
Cuối năm 1999, vì thấy trẻ em bị nhiễm chất độc da cam khổ quá nên tôi xin anh Vũ Linh cho nghỉ làm phóng viên để tôi hợp tác với Linh mục Phan Khác Từ (Đại biểu Quốc hội Khóa X) mở Trung tâm nuôi dưỡng các em khuyết tật Thiên Phước.
Tuy nghỉ làm phóng viên Báo CCB Việt Nam nhưng từ năm 2000 đến nay, tôi vẫn thường xuyên làm cộng tác viên cho 2 tờ Báo CCB Việt Nam và CCB T.P Hồ Chí Minh. Dù đi đâu về đâu, nhưng tôi vẫn đinh ninh trong lòng là phải hoạt động báo chí và coi nghề làm báo như là cái nghiệp của mình.
Trịnh Duy Sơn