Kỷ niệm 19 năm ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (6-6): Thi đua “Tuổi cao - gương sáng” rạng rỡ quê hương

Hội Người cao tuổi hiện có gần 8,1 triệu hội viên, chiếm 93,5% số người cao tuổi trong cả nước. Tôi còn nhớ, hai năm qua, Hội có một chương trình lớn "Mắt sáng cho người cao tuổi". Đây là hoạt động rất thiết thực vì khi đã về già thì tuổi cao, sức yếu, chân chậm mắt mờ. Việc quan tâm tới đôi mắt cho người cao tuổi đã lan tỏa rộng rãi trong cả nước. 1,5 triệu người được khám, tư vấn miễn phí các bệnh về mắt, có 167 ngàn người chữa mắt với nguồn kinh phí gần 237 tỷ đồng. Cùng với chương trình là gần 1,5 triệu người từ đủ 80 tuổi trở lên có bảo hiểm xã hội, trên 530 ngàn người từ 60 đến 70 tuổi hưởng trợ cấp xã hội, trên 2 triệu người được khám sức khỏe định kỳ và gần 3 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế. Hội có một phong trào xuyên suốt là thi đua "Tuổi cao-gương sáng", các cấp hội đã cụ thể hóa bằng nhiều mô hình phong phú trên các lĩnh vực. Nhất là trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội với 95.074 người cao tuổi làm chủ trang trại, làm chủ doanh nghiệp; trên 246 ngàn người cao tuổi làm kinh tế giỏi từ cấp xã trở lên.
Ví như: Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế là điển hình về phát triển hội viên mới. Năm 2013, Hội kết nạp 3.748 hội viên, nâng tổng số toàn tỉnh có 95.415 hội viên, và 100% chi hội đều thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo hội viên. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người cao tuổi các huyện Quảng Điền, A Lưới và thị xã Hương Trà hiến gần 10.000m2 đất và hàng ngàn ngày công, đóng góp hàng trăm triệu đồng để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa, kênh mương phục vụ sản xuất.
Vào tỉnh Đắc Lắc, nghe kể về Hội Người cao tuổi huyện Cư Mgar, chúng tôi được biết có hơn 9.450 hội viên, phần lớn các cụ đều tham gia hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đây là một trong những Huyện hội có nhiều loại quỹ với số tiền lớn, như quỹ hội toàn huyện 724 triệu đồng, các Quỹ “Chăm sóc người cao tuổi” 921 triệu đồng, quỹ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, 3,68 tỷ đồng, chân quỹ 1,93 tỷ đồng, Hội tổ chức thăm hỏi các cụ ốm đau, trợ cấp khi gặp khó khăn, mừng thọ với số tiền hàng trăm triệu đồng… Tham gia xây dựng nông thôn mới Hội có 3.521 hội viên trực tiếp lao động sản xuất, 1.036 hội viên là chủ trang trại, chủ cơ sở kinh doanh, thu nhập chủ yếu là cây cà phê, cao su, chăn nuôi và nuôi ong... bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng/hội viên và trên 91% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn văn hóa.
được biết Hội Người cao tuổi phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, có gần 900 hội viên, sinh hoạt tại 32 chi hội tổ dân phố. Hội thành lập các câu lạc bộ thơ, cầu lông, bóng chuyền hơi, đi bộ, đi xe đạp... thu hút cả thanh, thiếu niên cùng tham gia, 16 chi hội mua báo Người cao tuổi và tổ chức đọc tại nhà văn hóa. Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội phát động phong trào giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái, ngăn chặn, phòng ngừa các tệ nạn xã hội. Hội viên đã phát hiện và cung cấp hàng trăm nguồn tin về an ninh trật tự cho cơ quan chức năng, hòa giải hàng chục vụ mâu thuẫn trong khu dân cư. Hội vận động xây dựng gia đình, khu phố văn hóa và có 97% gia đình người cao tuổi đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu.
Nghe kể, khi còn trẻ, cụ Phạm Duy Chúc ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đi thanh niên xung phong, đi dân công phục vụ chiến dịch Hòa Bình và chiến dịch Điện Biên Phủ. Trở về cụ tích cực tham gia các phong trào của địa phương như: "nghiêng đồng đổ nước ra sông", "vắt đất ra nước thay trời làm mưa", "kiện tướng làm phân", cải tiến kỹ thuật trồng trọt đưa năng suất lúa từ 72kg lên 120kg/sào. Cụ được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc năm 1957 và Bác Hồ trực tiếp gắn huy hiệu của Người; dự Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn quốc 1962 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội khóa III, nghỉ hưu năm 1991. Nay cụ 81 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, đã tham gia Phó bí thư chi bộ nhiều khóa, ủy viên Ban thanh tra nhân dân và việc nào cũng hoàn thành tốt, được tham gia đoàn 1000 Mẹ VNAH, anh hùng cả nước về dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội năm 2010. Cụ thường tâm đắc: "Phần thưởng cao quý nhất là gia đình và tất cả các con cháu đều thành đạt". Thật là tuổi cao gương sáng làm rạng rỡ quê hương.
Bài và ảnh:
Xương Giang