Kỷ niệm 133 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5): Luôn quan tâm cuộc sống người công nhân

Năm 1886, tại T.P Chi-ca-go (Mỹ), Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1-5-1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Do yêu cầu không được đáp ứng đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp… Ngày 20-6-1889, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1-5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1-5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Ở nước ta, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam lấy ngày 1-5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do, dân chủ, giành những quyền lợi KTXH. Ngày 1-5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân Việt Nam, ngày biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Mặt khác, từ năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động lấy tháng 5 là “Tháng Công nhân” và trở thành truyền thống đến nay với nội dung trọng điểm là quan tâm đến đời sống và việc làm của người công nhân.

Do điều kiện lịch sử ở một nước thuộc địa, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và trưởng thành gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng CNXH. Giai cấp công nhân Việt Nam có mối quan hệ tự nhiên, máu thịt với giai cấp nông dân, với tầng lớp trí thức và nhân dân lao động. Ðó là những cơ sở để xây dựng khối liên minh công- nông- trí thức bền vững ở nước ta. Sau hơn ba mươi năm tiến hành đổi mới, cùng với quá trình hội  nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; từ một nước nông nghiệp là chủ yếu, chúng ta đang chuyển dần thành một nước công nghiệp theo xu hướng hiện đại. Trình độ sản xuất, năng lực sản xuất của giai cấp công nhân Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Với nhiều thế hệ và với lực lương hơn 11 triệu người hiện nay, hằng năm giai cấp công nhân Việt Nam đóng góp khoảng 60% tổng sản phẩm xã hội, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng.  

Giai cấp công nhân Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh, ngang tầm với sự nghiệp CNH, HÐH, chủ động vững bước vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay. Cụ thể, việc ấy là việc nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao ý thức kỷ luật cho người lao động, từ đó ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 ở nước ta không chỉ là dịp để ôn lại lịch sử, ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động củng cố và phát triển đoàn kết quốc tế, mà còn là thời điểm ôn lại lịch sử và truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam.

Thanh Huyền