Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019): Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Đồng bào gần xa viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình - Hà Nội là không gian thiêng, nơi hội tụ tình cảm kính yêu Người và sự tin tưởng của nhân dân Việt Nam vào con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đã chọn. Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho Quân đội, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhiệm. Kỷ niệm 129 năm ngày sinh, 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa đồng chí, đến nay đã qua nửa thế kỷ chúng ta thực hiện giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng. Thực tế đã chứng minh, đây là một quyết định đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta ?
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm: Vâng, việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người là một quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, T.Ư Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế… Việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhận công lao của những bậc tiền nhân, những danh nhân có công lao to lớn đối với đất nước. Đồng thời nó cũng là quyết định hợp với tình cảm, nguyện vọng của Đảng, nhân dân, toàn quân ta.
Tính đúng đắn và sáng suốt của việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng được minh chứng rõ nét qua thời gian. Từ năm 1975 đến nay, lượng khách trong nước, khách quốc tế thăm viếng Bác ngày càng đông. 45 năm qua, có trên 57 triệu lượt người, trong đó có trên 9 triệu khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đây, vào dịp ngày lễ rất đông, nhưng bây giờ ngày thường cũng đông, trung bình mỗi ngày có 10.000 đồng bào, có hôm hơn 30.000 đồng bào đến thăm viếng Bác.
PV: Xuất phát từ ý nghĩa đó, việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác chính là tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong toàn Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm: Đúng vậy. Đây là nhiệm vụ vô cùng vinh dự, tự hào, đồng thời cũng gắn với trách nhiệm rất cao. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu đến nay, Đảng ủy đoàn 99, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến công tác giáo dục nhận thức, trách nhiệm và bồi dưỡng tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong toàn đơn vị.
Gần nửa thế kỷ qua, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh luôn xác định tốt tinh thần, thái độ học tập nâng cao trình độ để thực hiện tốt nhất việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đón tiếp đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trọng tâm là thực hiện các nội dung, định hướng lớn về nhiệm vụ y tế, kỹ thuật, kiến trúc công trình Lăng; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ y tế, kỹ thuật; duy trì, thực hiện nghiêm các chế độ, quy định, quy trình về công tác y tế, bảo đảm thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, bảo đảm thi hài Bác luôn được gìn giữ ở trạng thái tốt nhất…
PV: Trước tình cảm của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và khách quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, lượng khách đến Lăng ngày càng đông, đơn vị đã có những đổi mới trong quy trình, phong cách phục vụ như thế nào để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới?
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm: Đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, cụm Di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình không ngừng đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân cả nước và khách quốc tế đến viếng Bác.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành T.Ư và địa phương cùng nhân dân cả nước, đơn vị đã tiến hành nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở như: Thay mới hệ thống mái che di động, lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh, hệ thống ki-ốt điện tử, mạng wifi miễn phí và hệ thống âm thanh, màn hình led. Tổ chức tuyến phố đi bộ, chương trình nghệ thuật tại khu Lăng để phục vụ khách đến tham quan, viếng Bác.
Đặc biệt vào các ngày lễ lớn, đơn vị vận động cán bộ, nhân viên, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp kinh phí và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp để tổ chức phát bánh mỳ và nước uống miễn phí cho tất cả khách đến viếng Bác.
Hiện nay, đơn vị có các mô hình sinh hoạt chính trị, văn hóa trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Báo công với Bác, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, quyết tâm trước khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ... Những mô hình đó tạo hiệu ứng tốt, đặc biệt là trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều cảm nhận và thấy rằng “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”.
Về nghi lễ, hiện nay ở trước Lăng, các buổi chào cờ được tổ chức vào 6 giờ sáng mùa hè, 6 giời 30 phút mùa đông; buổi tối 21 giờ hạ cờ. Đây là nghi thức có ý nghĩa sâu sắc xây dựng và tạo lòng tự hào, tự tôn dân tộc, để lại ấn tượng rất sâu sắc với đồng bào trong nước và khách quốc tế.
PV: Thưa đồng chí, là người có 37 năm gắn bó với nhiệm vụ thiêng liêng này, đồng chí đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động mà đồng bào, khách quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số đó, các Đoàn CCB đã để lại những ấn tượng như thế nào với cán bộ, chiến sĩ khi về Lăng viếng Bác?
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm: Mỗi đoàn đến thăm viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện niềm xúc động, tình cảm biết ơn và sự kính trọng với Bác Hồ kính yêu. Tôi đặc biệt ấn tượng với các đoàn CCB, thương binh khi về viếng Bác.
Có Đoàn thương binh hỏng mắt, không nhìn thấy gì mà vẫn thiết tha đến viếng Bác. Khi vào viếng Bác, có những đồng chí không đi được, phải ngồi xe đẩy. Không nhìn thấy Bác, các đồng chí đề nghị chúng tôi tả lại khuôn dung của Người. Lúc đó, chúng tôi tả lại hình ảnh Bác: Bác nằm như đang ngủ, Bác có vầng trán cao rộng, tóc râu Bác bạc trắng, đôi bàn tay Bác rất đẹp… Các đồng chí thương binh kể lại, ngày xưa khi mắt còn sáng, họ chỉ được nhìn thấy Bác qua ảnh, bây giờ được nghe tả lại hình ảnh Bác, các đồng chí rất ngưỡng mộ, rất yên tâm và tin tưởng rằng, Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước. Các CCB rất xúc động, thể hiện quyết tâm tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện theo lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế” và truyền lửa cho các thế hệ đi theo con đường mà Đảng và Bác kính yêu đã chọn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Hồng Linh - Vũ Minh (thực hiện)