“Bây giờ, tôi vẫn còn hối hận”

Tôi có may mắn được gặp Bác khá nhiều lần - nghệ sĩ Kim Ngọc kể. Ngày toàn quốc kháng chiến, cả nhà tôi đi bộ đội, sáu anh em trai tòng quân ở Việt Bắc, hai chị em gái tôi nhập ngũ ở Quân khu 3. Bác biết, Bác thường gặp gỡ, động viên và chính Bác đã viết báo biểu dương cả gia đình. Hòa bình lập lại, tôi được cử đi học thanh nhạc, Bác dặn tôi phải cố gắng. Bác bảo: "Nói là đi học, nhưng vất vả lắm đấy!...". Năm 1957, Đoàn ca múa quân đội sang biểu diễn ở Triều Tiên đúng dịp Bác sang thăm bên đó, Bác tìm ra tận nơi chúng tôi ở trên một quả đồi cao. Tốp nữ rủ nhau hát bài "Trống cơm" chào Bác. Nghe xong, Bác hỏi chị Thương Huyền: "Cháu có hiểu câu "nghĩa tang bồng" là thế nào không?. Rồi Bác giảng giải và bảo: "Hát bài nào, các cháu phải hiểu hết nghĩa từng câu, từng chữ của bài đó, mới biểu lộ đúng tình cảm của mình". Một lần khác, chúng tôi vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ đoàn khách Liên Xô (cũ). Tới một tiết mục, Bác lên bục diễn, nói với chúng tôi: "Bài hát hay lắm, để Bác dịch lại cho các bạn quốc tế nghe!". Và Bác tươi cười hướng về phía người xem, dịch lại toàn bộ bài hát bằng tiếng Nga giữa những tràng vỗ tay hân hoan của khách. Năm 1959, sau khi sinh cháu đầu lòng, tôi lại được gặp Bác. Bác bảo: "Cháu vừa sinh nở, người gầy lắm!". Tôi thưa với Bác rằng ngoài lý do đó, có thể do tôi cứ lo lắng nhiều khi thấy mình hát đuối dần. Không ngờ điều này làm Bác băn khoăn, rồi Bác chợt bảo: "Thế thì cháu phải đi học thêm về ca nhạc dân tộc… Chân không đến đất, cật không đến trời thì sẽ không ứng dụng được đâu"… Vâng lời Bác, tôi có xin đi học một lớp dân ca, nhờ đó sức hát lại lên…

“Bác Hồ là cội nguồn của sáng tạo”

Lời kể của nhạc sĩ Thuận Yến:

Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên Huế chúng tôi được ra thăm Bác năm 1967. Vừa tới Hà Nội, cơ quan đón tiếp đã mang ngay đến cho chúng tôi mỗi người một bộ quân phục biểu diễn rất đẹp và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác. Khi vào gặp Bác, Bác chưa xem chúng tôi diễn mà gọi từng người lên ngắm nghía, hỏi thăm sức khoẻ, đời sống, hỏi về thủ đô ăn ở ra sao, còn thiếu gì không… Thì ra những trang bị chúng tôi vừa nhận, là do Bác dặn văn phòng chuẩn bị từ trước… Hỏi chuyện và chia quà xong cho từng người, Bác mới bảo chúng tôi hát cho Bác nghe…

Kể từ lần được gặp ấy, tôi đã viết được nhiều tác phẩm về Bác Hồ. "Bác Hồ - Một tình yêu bao la" là tên một bài hát thành công của tôi. Sự nghiệp và tình yêu của Bác chính là cội nguồn sáng tạo của những người nghệ sĩ - chiến sĩ.

“Phải viết cho nhiều người cùng hát”

Và tâm sự của nghệ sĩ Tường Vy:

Tôi có hạnh phúc được gặp Bác khá nhiều lần. Không phải chỉ gặp Bác mỗi khi vào biểu diễn ở Phủ Chủ tịch, mà cả những lần đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ ở tuyến lửa, ở nơi xa về, Bác đều gọi vào cho quà và thăm hỏi! Lần tôi sinh cháu đầu lòng bị mất, không rõ ai kể mà Bác biết. Bác gọi tôi vào, nhìn tôi hồi lâu rồi hỏi: "Thôi, thua keo này ta bày keo khác… Trông bé thiếu máu quá, nghỉ hát, bồi dưỡng đã…".

Bác gần gũi, thân thương. Bác còn rất vui tính, hóm hỉnh. Một buổi chiều Bác dẫn đi quanh vườn, nghe nhiều tiếng chim hót, tôi thưa với Bác là ở đây có rất nhiều chim. Bác cười bảo: "Bác còn con chim này nữa nhé!". Nói rồi, Bác đưa tay lên miệng, gọi "Cúc cu, cúc cu!". Một chiến sĩ phục vụ chạy tới ngay bên Bác. Đến gần một lùm cây, Bác lại hỏi: "Bé hát giọng gì?". Tôi thưa: "Cháu hát giọng xô-pra-nô ạ!". "Thế à, Bác cho bé xem nhé!". Nói rồi Bác đưa tay lên miệng, gọi "Uôm, uôm, uôm". Một chú ếch lớn nhảy vọt ra. Bác cười: "Một giọng ba-ry-tông của nhân dân Cu Ba tặng Bác đó!"…

Một lần, tôi hát Bác nghe bài "Phi đội ta xuất kích", Bác bảo: "Có một chỗ cao quá, bộ đội không hát được đâu. Lần sau bé phải chú ý sáng tác sao cho nhiều người cùng hát…". Rồi Bác bảo tôi hát Bác nghe thử một bài hát nước ngoài. Tôi hát bài dân ca Nga, thấy Bác gõ nhịp và hát theo. Thì ra Bác cũng thuộc. Có lẽ ít người biết Bác còn nhảy rất giỏi - tôi đã thấy Bác nhảy rất đẹp trong buổi liên hoan đón Tổng thống Xu-các-nô sang thăm nước ta.

NGUYỄN PHÚC ẤM