Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tướng Đồng Sĩ Nguyên (1.3.1923 - 1.3.2023): Những kỷ niệm sâu sắc về Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trong một chuyến thị sát chiến trường. Ảnh tư liệu
Thời đánh Mỹ, những người lính Trường Sơn chúng tôi vinh dự, tự hào được chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới quyền chỉ huy của nhiều Tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp tài năng, đức độ. Trong số những Tướng lĩnh đó, người để lại trong tôi sự kính trọng, ngưỡng mộ nhất và tôi cũng có những kỷ niệm sâu sắc về ông, là Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên. Xin kể mấy kỷ niệm đáng nhớ:
Để đáp ứng yêu cầu chi viện từ miền Bắc cho cách mạng miền Nam, ngày 19-5-1959, Đoàn Công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) được thành lập. Từ khi thành lập đến đầu năm 1962, Đoàn 559 vừa mở đường, tổ chức giao liên hành quân, vừa tổ chức gùi thồ hàng quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 2-1962, Đại đội 1 Đoàn ô tô 245 thuộc Tổng cục Hậu cần nhận nhiệm vụ vận chuyển cán bộ từ miền Bắc vào giao cho Đoàn 559 tại miền tây Quảng Bình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi chuyển thuộc đội hình Đoàn 559, phục vụ công tác vận chuyển trên tuyến. Do nhiều nguyên nhân, nhất là khó khăn đường sá, nên từ năm 1962-1964, vận chuyển ô tô trên đường Trường Sơn chỉ tổ chức chạy đội hình nhỏ lẻ.
Năm 1965, chiến tranh ở hai miền Nam - Bắc nước ta có bước chuyển biến lớn. Cùng với thực thi chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” ở miền Nam, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tình hình mới đòi hỏi Đoàn 559 phải thay đổi cơ cấu tổ chức, đặc biệt là phải chuyển từ gùi thồ lên vận chuyển cơ giới mới có thể vận chuyển khối lượng người và hàng hóa vào các chiến trường xa, đáp ứng yêu cầu chiến trường đánh to thắng lớn. Quyết tâm là vậy, nhưng mùa khô 1965-1966 lần đầu tiên Bộ Tư lệnh 559 tổ chức vận tải cơ giới tập trung quy mô tiểu đoàn, đã không thành công, do địch tập trung đánh phá ngăn chặn, công tác tổ chức, chỉ huy của ta còn hạn chế, đường sá chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển cơ giới quy mô tập trung…
Trước tình hình vận chuyển cơ giới chưa thành công, chịu nhiều tổn thất, Bộ Tư lệnh 559 tổ chức rút kinh nghiệm. Bên cạnh luồng ý kiến chủ đạo, cho rằng chiến tranh ở miền Nam đã phát triển lên giai đoạn mới. Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải lấy vận chuyển cơ giới tập trung làm phương thức chủ yếu, đồng thời tùy từng thời điểm, từng tuyến, mà tổ chức vận tải thô sơ cho phù hợp; đã có một luồng ý kiến nên quay về vận chuyển thô sơ (gùi thồ) chậm nhưng chắc. Nắm vững tư tưởng tiến công, Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Bộ Tư lệnh 559 tiếp tục tổ chức vận chuyển cơ giới, tăng cường lực lượng, phương tiện cho tuyến; điều Đại tá Đồng Sĩ Nguyên - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương vào làm Tư lệnh Đoàn 559.
Thời gian này, tôi chỉ là Trung đội trưởng, thuộc Đại đội 1 Tiểu đoàn xe 52, nhưng qua một số Thủ trưởng binh trạm, tôi được biết với tài năng, tầm nhìn của một người đã từng giữ chức Tổng Tham mưu phó, Chính ủy Quân khu 4, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương…, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, sau một chuyến “vi hành” nắm tình hình tại một số trọng điểm, đã cho rằng hoạt động trên tuyến cơ bản mang tính phòng ngự bị động, tiêu cực. Ông phê phán kịch liệt “Chúng ta đã để cho máy bay Mỹ cưỡi trên đầu, bắn gục lái xe. Để cho lái xe đơn thương độc mã đối đầu với máy bay địch. Kéo dài tình trạng này là một tội lỗi…”. Và ngay lập tức, Tư lệnh chỉ thị: Muốn thắng địch, phải có tư tưởng tiến công. Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển. Pháo phòng không phải bố trí trận địa ngay tại trọng điểm để bắn máy bay địch, bảo vệ đội hình xe; công binh phải làm công sự, đóng ngay cạnh trọng điểm để kịp thời khắc phục tắc đường; cán bộ chỉ huy phải làm hầm ngay trọng điểm để chỉ huy, tổ chức hiệp đồng chiến đấu… Tư duy, tầm nhìn chiến lược của một vị Tư lệnh chiến trường, quyết tâm thay đổi, đảo ngược thế trận Trường Sơn là như vậy.
Rồi cũng đến lúc tôi được tiếp xúc trực tiếp với vị Tư lệnh của mình, đó là tại Hội nghị tập huấn chuẩn bị cho chiến dịch vận tải mùa khô 1967-1968. Hội nghị được tổ chức tại Hội trường (bán âm) Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh. Lần đầu tiên được tiếp xúc Tư lệnh, tôi như bị ông hớp hồn bởi khuôn dung sáng, đẹp, vóc dáng, tầm thế rất phong độ, đầy cuốn hút. Tư lệnh đội mũ mềm, mặc quân phục Tô Châu gọn gàng. Có điều, khi nói, ông cứ khụt khịt mũi liên tục!
Nói chuyện với Hội nghị, ông quán triệt một số vấn đề: Qua mùa khô 1966- 1967 tổ chức vận tải cơ giới quy mô tập trung giành thắng lợi, chúng ta rút được một số kinh nghiệm quý, đó là đánh giá đúng địch - ta, để từ đó khắc phục tình trạng phòng tránh bị động, đưa tư tưởng tiến công vào vận tải. Tuy nhiên chúng ta phải tiếp tục đổi mới. Địch càng tăng cường đánh phá, xảo quyệt, ta càng phải tổ chức vận chuyển với tư tưởng chỉ đạo: Tiểu đoàn tập trung, đại đội gọn; không để mạnh ai nấy chạy. Muốn vậy phải có tổ chức chỉ huy; phải sử dụng thông tin tải ba để hiệp đồng tác chiến… “Thực mục sở thị” Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh có cấu trúc bề thế, “hoành tráng”, đặc biệt là tầm tư duy, tác phong làm việc, phong độ của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên…, ngay từ ngày đó, tôi đã thầm nghĩ được công tác, chiến đấu dưới sự chỉ huy của Tư lệnh, được làm lính của ông là may mắn, hạnh phúc của tôi và nhiều đồng đội tôi.
Cuối năm 1972, sau một mùa hè trên cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 166 vận tải thủy, chỉ huy đơn vị phục vụ Chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, một hôm tôi nhận được điện triệu tập của Bộ Tư lệnh 559 ra làm việc với Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tại một địa điểm gần bến đò Trùng Quán (trên sông Nhật Lệ). Tư lệnh hỏi tôi tình hình vận chuyển của Binh trạm 17, nhất là vận chuyển bằng đường thủy; rồi thông báo yêu cầu vận chuyển lập chân hàng cho tuyến 559 rất lớn, vì vậy, Bộ Tư lệnh quyết định thành lập Binh trạm 19, còn Binh trạm 17 lùi ra tuyến ngoài, giao khu vực Tam Tòa cho Binh trạm 19 để tổ chức vận chuyển hàng từ Đồng Hới vào bắc Quảng Trị. Ông cũng thông báo tôi được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Chinh trị Binh trạm 19, và dặn chúng tôi phải đặt Sở chỉ huy Binh trạm ở lô cốt cũ gần nhà thờ Tam Tòa (Đồng Hới), để chỉ huy và tổ chức vận chuyển, không được chọn chỗ xa bến, xa đường. Ông sẽ ra làm việc với chúng tôi ở đó. Thực hiện chỉ đạo của Tư lệnh, trong vòng một tháng trước khi Hiệp định Pari được ký kết (27-1-1973), bằng đường thủy là chủ yếu, Binh trạm 19 đã tổ chức chuyển được một khối lượng lớn hàng vào khu vực bắc Quảng Trị.
Ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào thăm Quảng Bình và một số đơn vị quân đội đứng chân làm nhiệm vụ ở đây. Chúng tôi vinh dự được đón Đại tướng đến thăm đơn vị tại khu tập kết hàng gần nhà thờ Tam Tòa.
Tết Nguyên đán Kỷ Sửu - 1973, mừng Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình đươc ký kết, mừng Xuân chiến thắng và đón Đại tướng về thăm quê, Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ mít tinh tại bến đò Trùng Quán. Bộ đội dự lễ, đứng theo từng khối rất đẹp. Hai người con ưu tú của Quảng Bình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đồng Sĩ Nguyên đi thuyền trên sông Nhật Lệ, diễu qua trước hàng quân giống như nghi thức duyệt binh. Chứng kiến hình ảnh Đại tướng và Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên cùng bước lên thuyền và quân nhạc nổi lên trầm hùng; thuyền đưa hai vị lần lượt chào nhân và bộ đội đứng trên bờ vỗ tay vang dội…, tôi xúc động, rạo rực vô cùng.
Sau này, trên cương vị Chính ủy Trung đoàn công binh 515, tham gia nâng cấp đường Đông Trường Sơn phục vụ Tổng tiến công mùa Xuân 1975, hay khi đã “gác súng, treo gươm” trở về cuộc sống đời thường, rồi tham gia Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, tôi còn được Tư lệnh - bác Nguyên giao nhiệm vụ, động viên rất nhiều trong công việc, cũng như trong cuộc sống ; nhưng kỷ niệm về Tư lệnh trong những ngày trên tuyến lửa Trường Sơn, ấn tượng về vị Tư lệnh vận dụng tài tình tư tưởng tiến công và nghệ thuât quân sự vào vận tải quân sự chiến lược, từ đó đảo ngược thế trận, “Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển” ở Trường Sơn ngày ấy mãi không phai mờ trong tôi.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - nguyên Phó chủ nhiệm TCKT về chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam