Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ
Quang cảnh phiên họp ngày 24-5 tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI
Ngày 24-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Mở đầu buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thay mặt Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn xảy ra sáng 24-5 trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời, đề nghị Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và các lực lượng nhanh chóng chỉ đạo khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, kịp thời giúp đỡ gia đình người bị nạn sớm ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống.
Đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các lực lượng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong cả nước, hướng dẫn và thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời, không để xảy ra cháy, nổ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức đoàn công tác do Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đến hiện trường và bệnh viện để thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn và đội ngũ bác sĩ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại cơ sở.
Khắc phục những hạn chế, bất cập trong lưu trữ
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật), đồng thời chỉnh lý quy định tại Điều 18 về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất.
Điều này xuất phát từ thực tế các địa phương, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn.
Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã rất hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. Về lưu trữ tài liệu điện tử, một số ý kiến đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực và lồng ghép nội dung lưu trữ điện tử vào các quy định có liên quan; có ý kiến đề nghị đối với tài liệu số lưu trữ vĩnh viễn thì in ra và đưa vào kho lưu trữ.
Theo ông Bùi Văn Cường, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số...
Phù hợp với xu thế
Trong buổi thảo luận, đã có nhiều ý kiến phát biểu góp ý cho Luật Lưu trữ, với các nội dung cụ thể, thiết thực. Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về hoạt động dịch vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; đồng bộ với những luật liên quan...
Tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu là rất quan trọng, sát đáng đóng góp vào việc hoàn thiện Luật Lưu trữ. Khi nước ta hòa cùng xu thế của thế giới, hòa nhập trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số là điều cần thiết, phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm an toàn thông tin dữ liệu và quốc phòng, an ninh.
Về nguồn nhân lực cho lưu trữ, những chính sách đãi ngộ..., Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vẫn phải theo quy định của Chính phủ, đáp ứng được nhu cầu phát triển. Sử dụng đội ngũ lưu trữ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu.
Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Thảo luận tại tổ 18, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành; đồng thời nêu rõ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Các đại biểu cũng nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao như dự thảo Luật. Việc bổ sung 3 chức danh nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Đóng góp ý kiến với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết xây dựng luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
QĐND