Một vấn đề được đa số cử tri và nhân dân cả nước hết sức quan tâm đó là tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu đã nhận định nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phục hồi. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao trong điều kiện lạm phát thấp. Quý 1-2015, GDP đạt 6,03%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Cán cân thanh toán vãng lai 4 năm liên tục có thặng dư, năm 2014 thặng dư 5,4% GDP. Đây là chỉ số quan trọng đánh giá an ninh tài chính quốc gia, nhất là an ninh tài chính đối ngoại. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn bày tỏ sự lo ngại khi mà kinh tế vĩ mô dù có ổn định nhưng chưa vững chắc, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực dân doanh vào GDP ngày càng giảm, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Quý 1-2015, nông nghiệp chỉ tăng 2,14%, mức thấp nhất trong 5 năm qua và không ổn định. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng thực trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã bộc lộ nhiều hạn chế. Để giải quyết tình trạng này không thể trông chờ vào giải pháp tình huống mà cần giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương cần tập trung các giải pháp nhằm quy hoạch sản xuất, con giống, vật nuôi; đưa ra khuyến cáo, định hướng sử dụng khoa học công nghệ cho bà con nông dân. Bộ Công Thương cần đóng vai trò kết nối cung-cầu, xác định nhu cầu, giúp người dân xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm theo định hướng đối với thị trường trong nước và ngoài nước.
Tại thời điểm này, khi tình hình Biển Đông đang ngày càng nóng lên thì việc Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước. Sau khi nghe Báo cáo dự thảo Luật, đa số các đại biểu đồng ý với nội dung của báo cáo thẩm tra. Các đại biểu đã tập trung thảo luận 8 nhóm vấn đề.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên môi trường biển và hải đảo, kết hợp nhiều ngành nhiều lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối. Tuy nhiên trong dự thảo Luật, vai trò của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia khai thác, quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo khá mờ nhạt, việc phân cấp cho các địa phương có biển trong hoạt động liên quan đến lĩnh vực này chưa được đề cập nên cần xem xét bổ sung. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) khẳng định việc ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là cần thiết và đồng tình với các nội dung nêu trong báo cáo thẩm tra. Đối với Điều 4 của dự án Luật cần bổ sung thêm cụm từ "Nhà nước chịu trách nhiệm về quy hoạch tổng thể biển, hải đảo", vì việc quy hoạch tổng thể biển và hải đảo rất quan trọng và sau khi có quy hoạch tổng thể về biển và hải đảo, lúc đó mới phân cho các chuyên ngành làm quy hoạch chuyên ngành.
Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải sớm xây dựng và ban hành Luật Biểu tình và Luật về Hội nhằm tạo ra hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng để đảm bảo về quyền con người và nghĩa vụ công dân, đề nghị Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này trong Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 vào năm sau. Có Luật Biểu tình sẽ thúc đẩy việc thực hiện quyền con người, quyền công dân đi vào nền nếp đồng thời sẽ ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Và trong điều kiện Việt Nam đang nỗ lực tham gia hội nhập quốc tế như hiện nay thì việc thông qua Luật Biểu tình sẽ là cơ sở để các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao hơn nữa về quyền con người tại Việt Nam
Hoàng Linh