Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thông qua 7 luật và một số nghị quyết quan trọng
Sau hơn 3 tuần làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV đã bước vào những phiên thảo luận cuối cùng. Đây cũng là những phiên làm việc với cường độ cao và giải quyết những nội dung quan trọng nhất của kỳ họp. Các đại biểu sẽ xem xét, biểu quyết thông qua 7 dự án Luật và một số nghị quyết.
Thông qua 7 Dự án Luật
Bảy Luật sẽ được thông qua gồm: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp.
Trước đó, Quốc hội cũng thảo luận nhiều vấn đề lớn được dư luận xã hội quan tâm như kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, hoạt động giám sát tối cao, các báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Các phiên chất vấn thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm
Cũng giống như những kỳ họp trước, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân cũng như cử tri cả nước. Bốn nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 bao gồm các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; các vấn đề quản lý thị trường bất động sản; các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải như việc đội vốn của các công trình trọng điểm; vấn đề cuối cùng là lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với công tác phòng ngừa mê tín dị đoan cũng như các giải pháp phát triển ngành du lịch.
Sau khi các phiên chất vấn diễn ra, đa số cử tri đánh giá cao phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng và giải trình thêm của các Phó thủ tướng Chính phủ. Mặc dù thời gian chất vấn và trả lời chất vấn có giảm hơn so với các kỳ họp trước nhưng số lượng các đại biểu tham gia và khối lượng câu hỏi chất vấn lại tăng lên. Điều đó cho thấy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tiếp tục được cải tiến và vẫn luôn là một nội dung trọng tâm của kỳ họp.
Đánh giá về các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các nội dung chất vấn rất trúng và đúng những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội mà nhân dân và cử tri cả nước cũng như các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung đi thẳng vào các vấn đề chất vấn. Nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận tới cùng, làm rõ thêm vấn đề quan tâm, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với mong muốn Chính phủ các Bộ, ngành tiếp tục có những giải pháp phù hợp để khắc phục. về cơ bản, các đại biểu Quốc hội hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ. Nội dung trả lời chất vấn không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, đã giải trình làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu, đồng thời nghiêm túc thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, của lĩnh vực và cam kết khắc phục để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Hoàng Linh