**Thử thách niềm tin **
Lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung được cử tri và nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt, bởi đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là cơ sở cho việc đánh giá chất lượng bộ máy cán bộ của đất nước. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội về năng lực trách nhiệm và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được; khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém; là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả.
Ngày 25-10, với 95,67% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Gồm 48 người, bao gồm cả những lãnh đạo cấp cao nhất của Nhà nước như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Việc tổng hợp phiếu và phân tích kết quả phiếu được thực hiện hoàn toàn bằng máy để đảm bảo tính chính xác và khách quan.
Ngay trong chiều 25-10, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Vẫn giữ vững sự tin tưởng của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao (90,1% đại biểu tín nhiệm cao và 7,01% đại biểu tín nhiệm). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 81,03% đại biểu tín nhiệm cao và 14,02% đại biểu tín nhiệm, dẫn đầu khối Chính phủ gồm 26 thành viên về sự đánh giá tích cực của đại biểu Quốc hội. Trong khối Chính phủ, ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ba chức danh có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (77,73% đại biểu tín nhiệm cao và 17,53% đại biểu tín nhiệm); Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (72,99% đại biểu tín nhiệm cao và 21,24% đại biểu tín nhiệm) và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (69,28% đại biểu tín nhiệm cao và 25,15% đại biểu tín nhiệm). Người nhận được phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, với 28,25% đại biểu tín nhiệm thấp.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát
Niềm tin của Đại biểu Quốc hội và cử tri được củng cố thêm, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Với phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo; tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển; tăng trưởng GDP duy trì đà tăng khá; ước cả năm tăng khoảng 6,7%, đạt mục tiêu của Nghị quyết số 01/NQ-CP và đạt mức cao mục tiêu Quốc hội giao. Tiếp tục tập trung nỗ lực nhằm đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Trên thế giới, sự nổi lên mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tác động ngày càng rõ nét tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, mạng internet, mạng xã hội,... đã làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh giữa các nền kinh tế trên thế giới, giữa các quốc gia trong khu vực, giữa các doanh nghiệp trong thị trường,... trở nên căng thẳng hơn.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2018 và 2019 là hai năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong năm 2019, các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của nền kinh tế, trọng tâm:
Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, với tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế,... kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại.
Mở rộng phạm vi chống tham nhũng
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, đa số đại biểu bày tỏ sự tán thành mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước ngày càng tăng cao, không chỉ gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà của cả nền kinh tế nói chung. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội, vì đây là các doanh nghiệp, tổ chức có huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hoặc có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Đồng tình việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, nhưng nhiều đại biểu cho rằng đối tượng doanh nghiệp khu vực tư đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu vực công - thường là doanh nghiệp “sân sau”, nên sẽ rất khó xử lý những thành phần này. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cần phải có cơ chế kiểm soát là doanh nghiệp tư mà có quan hệ kinh tế như cung cấp, mua bán tài sản, cung cấp dịch vụ cho khu vực công. Phải thực hiện kiểm soát tham nhũng bằng hình thức kiểm toán, công khai tài chính 3 năm: năm trước, năm nảy sinh quan hệ mua bán, năm sau, như kiểm soát doanh nghiệp nhà nước.
Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiếp thu ý kiến để giải trình lý do chưa đề cập đến doanh nghiệp “sân sau” khi mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng với Quốc hội.
Một vấn đề cũng có nhiều ý kiến tranh luận đó là việc Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành đã quy định tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có. Riêng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý; trong khi đó không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.
Hoàng Linh