Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII: Cân nhắc việc tiêm thuốc độc hay xử bắn tử tù và cho ý kiến về hai dự án luật (27/11/2009)
Sáng 26/11, Quốc hội đã có phiên thảo luận nóng bỏng khi nhiều đại biểu không cùng chung tiếng nói về việc áp dụng hình thức tử hình đối với tử tù.
Ủng hộ việc tiêm thuốc độc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích bắn tử tù thì phát huy được tính răn đe, nhưng xây pháp trường rất nan giải. Cả nước chỉ có 7 pháp trường vì chẳng ai muốn xây tại địa phương mình. Mặt khác, xử bắn gây áp lực tâm lý cho cả tử tù và người thi hành án, có người cách 5-7 m vẫn bắn trượt. Tử tù chết không được toàn thây khiến gia đình rất đau đớn. Tiêm thuốc độc là hình thức tử hình nhân đạo nhất. Người thi hành án chỉ cần bấm nút tự động để tiêm thuốc cho tử tù. Xác tử tù còn nguyên vẹn. Theo bà, hình thức này vừa đơn giản, vừa khắc phục những hạn chế của việc xử bắn, hay ghế điện, và lại phù hợp với xu thế quốc tế.
"Mỗi hình thức có những mặt ưu và nhược điểm riêng. Xử bắn có tính răn đe cao, nhưng khó khăn trong xây pháp trường và ảnh hưởng tâm lý không tốt tới người thi hành án. Tiêm thuốc độc khắc phục được hạn chế trên, nhưng lại không có tính răn đe", đại biểu Nguyễn Thanh Toàn phân tích và ủng hộ đề xuất của Chính phủ là áp dụng cả hai hình thức tử hình gồm bắn và tiêm thuốc độc.
Thấu hiểu tâm trạng của người thi hành án, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Trần Bá Thiều khẳng định chính bản án tử hình đã đủ sức răn đe, trấn áp tội phạm, chứ không phải là hình thức tử hình xử bắn, Giám đốc Công an Hải phòng mạnh dạn đề xuất một hình thức mới, nhân đạo hơn rất nhiều, là phạt tù suốt đời, không cho tử tù được giảm án. Cơ sở của đề xuất này, theo ông là một nghiên cứu cho thấy nuôi tử tù không tốn kém, thậm chí còn rẻ hơn so với việc xây pháp trường để xử bắn. Ngoài thảo luận về hình thức thi hành án tử hình, dự thảo luật quy định tử tù được quyền hiến mô, xác cho nghiên cứu khoa học, xuất phát từ tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam là trước khi chết cho phép tử tù được làm một việc có ích cho đời. Tuy nhiên, điều này đã không nhận được sự đồng thuận.
Dự luật thi hành án hình sự sẽ được hoàn thiện và dự kiến thông qua vào kỳ họp đầu năm 2010.
Chiều 26/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường, cho ý kiến vào dự án Luật An toàn thực phẩm và Luật Người khuyết tật. Đây là hai dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này.
Từ thực tế hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố là rất lớn, trong khi đó lực lượng thanh tra, kiểm tra còn yếu và mỏng, đại biểu Hoàng Thị Tuân (đoàn Bắc Giang) đề nghị nên giao việc quản lý thức ăn đường phố cho cấp huyện quản lý, còn dịch vụ thức ăn đường phố thì giao cho UBND cấp xã quản lý. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND các cấp trong hoạt động quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện chế tài xử lý vi phạm của chúng ta còn thiếu và mức xử phạt cũng quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Nếu không có các chế tài cụ thể về xử lý các vi phạm thì sẽ dẫn đến tình trạng việc tuân thủ Luật không cao, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không sợ bị phạt và việc tái phạm, vi phạm sẽ gia tăng.
Về dự thảo Luật Người khuyết tật. Sau 10 năm thi hành Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998, những chính sách như chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, giáo dục hoà nhập, vận động xã hội tham gia giúp đỡ người tàn tật đã phát huy tác dụng, giúp nhiều người tàn tật hoà nhập vào cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, một số chính sách như dạy nghề, giải quyết việc làm, các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo cơ hội để người tàn tật hướng đến cuộc sống độc lập còn rất khó khăn, tình trạng phân biệt đối xử vẫn là những rào cản đối với người tàn tật. Một số đại biểu cho rằng, mọi người khuyết tật đều muốn tham gia các hoạt động nói chung, lĩnh vực giáo dục nói riêng. Tuy nhiên, nếu dự thảo Luật quy định “phương thức giáo dục hoà nhập là phương thức giáo dục chủ yếu”, thì các phương thức giáo dục bán hoà nhập và giáo dục chuyên biệt sẽ ít được quan tâm.
Về vấn đề này, Uỷ ban về Các vấn đề Xã hội cho rằng, để phát triển phương thức giáo dục hoà nhập cần kết hợp hài hoà hai nguyên tắc: Thứ nhất là tạo môi trường giáo dục phù hợp và thứ hai là tối đa hoá sự hoà nhập của người khuyết tật vào môi trường chung. Thời gian qua việc triển khai mô hình giáo dục hoà nhập còn gặp khó khăn và chưa thực sự có hiệu quả cao. Vì vậy, xây dựng hệ thống giáo dục hoà nhập cần tính tới nhu cầu của bản thân người khuyết tật, điều kiện để đảm bảo như có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất không rào cản đối với sinh hoạt của người khuyết tật... Giáo dục hoà nhập phải đi cùng với những hỗ trợ cần thiết thì mới mang lại hiệu quả. Uỷ ban về Các vấn đề Xã hội đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung những biện pháp hỗ trợ này cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ngoài ra, giáo dục hòa nhập chỉ phù hợp với hạng khuyết tật nhẹ, đối với một số dạng khuyết tật vẫn phải có các hình thức giáo dục bán hòa nhập hoặc chuyên biệt. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung những quy định khuyến khích, tạo cơ hội cho người khuyết tật theo học ở các cấp học cao hơn.
Cũng tại phiên thảo luận này, một số đại biểu đề nghị, cần có chương về khảo sát xã hội về người khuyết tật; việc quy định chế độ trợ cấp xã hội; về mua bảo hiểm y tế và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người khuyết tật; khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đào tạo nghề, nhận người khuyết tật vào làm việc. Đối với trẻ em, phụ nữ, người già là người khuyết tật cần có chế độ ưu đãi đặc biệt, cần nâng lên một hạng so với thực tế.
Ngày 27/11, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc tại Hội trường, kết thúc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII sớm hơn nửa ngày so với dự kiến./.
Cao Thuý