Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Khóa XV, Quốc hội bắt đầu tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu nhấn mạnh: Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, là dịp để cử tri và nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tại phiên chất vấn đầu tiên, ngay sau trả lời nội dung các câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời các vấn đề về chính sách Dân tộc, khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách trong vùng đồng bào DTTS và người DTTS. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường...

Về khó khăn, vướng mắc trong phân định vùng đồng bào DTTS, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, lúc đó thực hiện phân định theo miền núi, vùng cao. Giai đoạn 2, thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm. Từ năm 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào DTTS được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.

Gần đây nhất, Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm, trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển. Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn. Về tác động của quyết định số 861, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào DTTS, trong đó có chính sách bảo hiểm với người DTTS. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146, trong đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn là hộ DTTS khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng.

Bàn về công tác xây dựng Luật Dân tộc, các đại biểu Quốc hội cho rằng các chính sách dân tộc đang tản mát ở nhiều văn bản chồng chéo, nguồn lực bị phân tán dẫn đến hiệu quả chưa cao nên cần phải rà soát, hệ thống lại để xây dựng Luật về hỗ trợ, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, việc xây dựng Luật Dân tộc là cần thiết, tuy nhiên đây là một vấn đề rất rộng và phức tạp do đó cần thêm thời gian nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông về giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tiểu dự án trên cơ sở điều kiện thực tiễn từng cơ sở. Trăn trở nhất là quá trình triển khai trên thực địa phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn bản, từng hộ gia đình. Về mặt thể chế về cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên không tránh khỏi trong thực tế có những vấn đề phát sinh,  do đó Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thế và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với các địa phương, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để địa phương chủ động giải quyết nhằm tập trung lực lượng để triển khai thực hiện. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao cho, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân để bà con tiếp nhận được các chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Trả lời chất vấn của đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang về kết quả thực hiện nhiệm vụ của CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bộ trưởng Hầu A Lềnhcho biết, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của Nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025. Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn có một số nguồn vốn khác, gồm vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng. Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hằng năm để triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn Quốc hội đã phê duyệt. Về vốn ODA, Ủy ban Dân tộc có dự án cùng Bộ Giáo dục Đào tạo và một số bộ, ngành làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động ngân sách gần 9.000 tỷ, hiện nay đã xây dựng xong khung chính sách, tiến hành khảo sát các địa phương để tập trung đầu tư cho 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ cho tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án này tại thời điểm thích hợp...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A lênh ngắn gọn, đúng trọng tâm, bao quát được các vấn đề đại biểu đặt ra.

Hoàng Linh