Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Quốc hội sẽ chất vấn theo thể thức "hỏi nhanh, đáp gọn”

Dự kiến nội dung kỳ họp sẽ rút 4 dự án Luật ra khỏi dự kiến chương trình, gồm: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số để tiếp tục hoàn thiện; rút các báo cáo công tác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Ngoài ra, đối với các dự án luật khác trình tại phiên họp này (như Luật Quản lý phát triển đô thị...).
Cụ thể, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Xây dựng và Luật Quản lý Đô thị (nếu đủ điều kiện); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản (nếu có); Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Quốc hội cũng giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với chủ trương giảm hoặc quy định thời gian cụ thể đối với việc thảo luận tổ, tăng thời gian thảo luận ở hội trường, tùy theo tính chất, quy mô của từng luật. Nếu tăng thời gian thảo luận ở hội trường cho các vấn đề kinh tế-xã hội, gắn với báo cáo thực hành tiết kiệm, an toàn thực phẩm...; chỉnh thời gian cho công tác lập pháp thì thời gian dự kiến chương trình kỳ họp sẽ tăng thêm.
Nhấn mạnh việc cải tiến, thí điểm áp dụng hình thức chất vấn - trả lời chất vấn ngay trong thời gian qua có kết quả tốt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hài lòng của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp thứ 5 tới sẽ tiếp tục phát huy và cải tiến bước đầu việc này (đại biểu hỏi trong 1 phút, mỗi đại biểu 1 câu hỏi; 3 đại biểu hỏi một lần, bộ trưởng dành 9 phút để trả lời (3 phút cho 1 cụm câu hỏi).
PV (tổng hợp)