Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Kinh tế có bước phát triển ấn tượng

**Huy động nguồn lực tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng **
Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định: Kết hợp quốc phòng với KTXH và KTXH với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực KTXH có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển KTXH. Đánh giá về vấn đề này, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao khi cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp vì đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với KTXH và KTXH với quốc phòng; kế thừa Luật Quốc phòng hiện hành, đảm bảo tính thống nhất với các luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... Các đại biểu cũng đánh giá cao tính thực tiễn của dự thảo Luật với việc quy định dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng. Đây là điểm mới phù hợp với tình hình thực tế, nếu phát huy được tính lưỡng dụng sẽ thúc đẩy mục tiêu nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước.
Các đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, bổ sung cụ thể hóa các chính sách cho phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, khắc phục bất cập về kết hợp quốc phòng với KTXH và KTXH với quốc phòng thời gian qua.
**
Cần quy định chặt chẽ để bảo vệ người tố cáo **
Thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), các đại biểu đặc biệt quan tâm tới quy định về bảo vệ người tố cáo (NTC). Theo dự thảo Luật thì có 3 nhóm biện pháp bảo vệ NTC, bao gồm: Bí mật thông tin; tính mạng, sức khỏe, tài sản danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác; vị trí công tác, việc làm của NTC.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng việc bảo vệ NTC cần phải được phân loại chính xác, những vụ việc tố cáo nghiêm trọng có khả năng dẫn đến nguy cơ cần có hình thức bảo vệ cụ thể, chứ không phải khi họ tố cáo là phải bảo vệ, hoặc đưa họ đến vị trí nào đó để sử dụng công an, lực lượng bảo vệ.
Từ thực tế trong công tác giám sát, giải quyết đơn thư tố cáo của công dân cho thấy, trước đây, người thân của NTC không được bảo vệ là chưa hợp lý. Để phát huy quyền tố cáo của công dân, những đối tượng cần được bảo vệ phải do NTC đề xuất và trong giới hạn nhất định vì còn liên quan đến nhân lực, kinh phí bảo vệ. Trường hợp người bị tố cáo là đối tượng có thể gây nguy hiểm cho người thân của NTC, cần phải có biện pháp bảo vệ tùy theo từng hoàn cảnh, mức độ của sự việc.

Kinh tế có bước phát triển ấn tượng
Sau khi nghe báo cáo về tình hình KTXH của Chính phủ, các đại biểu cho rằng báo cáo của Chính phủ có chiều sâu, có số liệu minh chứng thuyết phục; bức tranh KTXH năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 rất sáng, với những con số ấn tượng, tạo niềm tin lớn cho cử tri và nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phấn khởi nhận định kinh tế đã có mức tăng trưởng ngoạn mục. Các chỉ tiêu phát triển của nền kinh tế thực sự để lại ấn tượng mạnh mẽ thông qua những con số như GDP tăng 6,81%, có 12/13 chỉ tiêu KTXH đạt và vượt kế hoạch đề ra, quý 1-2018, GDP tiếp tục duy trì mức cao nhất trong 10 năm qua, đạt 7,38%. Sản xuất công nghiệp ổn định, các chỉ số tài chính, tiền tệ, đầu tư phát triển, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu đều có mức tăng trưởng khá. Xếp hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo được cải thiện mạnh mẽ do nỗ lực của Chính phủ giải quyết tốt hàng loạt các vấn đề căn bản.
Bên cạnh đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho người dân, đảm bảo chấp hành quy định của pháp luật đồng bộ giữa các cấp và các ngành từ T.Ư đến địa phương.

Xử lý xong 12 dự án lỗ nghìn tỷ trong năm 2020
Báo cáo về việc xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cả 12 dự án này đều đã được các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động điều tra, cơ bản bước đầu đã chỉ ra rõ những sai phạm của các cá nhân và tổ chức ở mức độ khác nhau và đang tiếp tục hoàn thiện kết luận; những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, cố ý làm trái thì đã có xử lý bước đầu với một số cá nhân, tổ chức. Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý do 1 Phó thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công thương làm Phó trưởng ban, hiện đã triển khai nghiên cứu đánh giá toàn bộ lại các dự án này. Ban Chỉ đạo đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án; phấn đấu hết 2018 sẽ xử lý cơ bản những tồn tại lớn của 12 dự án này, đến năm 2020 hoàn thành xử lý, đồng thời có giải pháp ngăn chặn việc hình thành những dự án yếu kém mới trong tương lai.
Hoàng Linh